Hiển thị các bài đăng có nhãn me-va-be. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn me-va-be. Hiển thị tất cả bài đăng

Cách làm playdough (đất nặn) từ bột mì của Mẹ Kem

23:39 Thêm bình luận
Mình khuyên chỉ cho bé từ hơn 15 tháng chơi đất nặn nhé, vì khi đó bé đã có thể phân biệt đâu là thức ăn và nghe hiểu lời người lớn dặn là ko được ăn

Nếu bé nào đã hiểu được sớm hơn thì dĩ nhiên mẹ có thể làm cho bé chơi, và lưu ý là mẹ hoặc người lớn trong nhà nên chơi cùng bé để giám sát và dặn dò bé nhé, tuy làm bằng bột mì, lành tính hơn đất nặn bán sẵn, nhưng cũng ko được nuốt nhé


Nguyên liệu gồm có
400gr bột mì
150gr muối
Nửa lít nước lọc
2 muỗng canh dầu ăn
1 muỗng cà phê bột nở
Màu thực phẩm

Ưu điểm là dễ làm, rẻ tiền, mẹ có cơ hội tự tay làm cho bé chơi, chơi xong có thể cho vào hộp kín hay màng bọc thực phẩm để cất vào tủ lạnh, lần sau lấy ra hâm lại bằng chảo hoặc tiện hơn là hâm bằng lò vi sóng
Sau khi chơi nhớ rửa tay cho bé nha



Tại sao trẻ con thích chui gầm bàn?

23:38 Thêm bình luận
Hôm nay ở lớp các cô kê bàn ghế cho lũ nhóc đọc truyện, một lúc sau bàn đó không còn ai ngồi nữa. Bạn Voi chui xuống gầm bàn nằm một lúc lâu sau khi phát hiện ra nó hoàn toàn thuộc về mình và bị cô "bắt được" . Rõ ràng trong trường hợp ấy cô sẽ phải bảo bạn đi ra, nhưng không phải là ép buộc như cách mọi người vẫn thường làm, vì hiển nhiên con chưa gặp bất kì điều gì nguy hiểm tại thời điểm đó, nhưng lại có rất nhiều nguy cơ sưng đầu kẹp tay đánh nhau... Thế nên cô T đã làm như sau:


Cô gõ bàn mà bạn đang nằm:
"Cốc cốc.... Có ai ở trong đó không? Tôi là người của đội cứu hộ đây...."
"Có tôi. Tôi đang ở dưới này đây."
Tự nhiên thêm 2 bạn nữa chui vào: "Còn tôi nữa" "cả tôi nữa"
"Các anh ở dưới đó làm gì đấy?"
"Ở dưới này rất vui". "Không ai nhìn thấy chúng tôi." "Dưới này tối lắm"
"Chúng tôi sắp đổ rất nhiều đất xuống đây, nếu các anh không ra ngoài ngay, các anh sẽ bị chìm trong đất mất. Đưa tay đây, chúng tôi sẽ kéo các anh ra"
Sau khi chui hết ra ngoài cô lại hỏi tiếp:
"Các anh an toàn cả chứ? Không ai bị thương chứ?"
"Vâng"
"Vậy các anh gấp bàn đi cất nhé"
"Vâng"
Rồi chúng tự cất bàn đi vui như tết :)))
Là đứa trẻ để hiểu trẻ, giáo dục sẽ không còn gánh nặng.

Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng.

Con không thích cất truyện đâu...

23:37 Thêm bình luận
Moon là bạn nhỏ 4 tuổi ngang bướng kinh khủng khiếp và thích làm ngược lại tất cả mọi thứ mà cô giáo bảo. Mẹ nào có case con bướng thì vào hóng cùng cho vui nha. Biết đâu học được điều gì đó.
Hôm nay lúc dọn đồ chơi, cô Trang bảo Moon cất truyện lên đi con, mình hết giờ đọc truyện rồi, tất cả các bạn khác đều cất trừ con (dĩ nhiên rồi, mình thích thì mình ôm truyện thôi) và bĩu môi làm mặt xấu, dứt khoát không chịu cất. Trong trường hợp bình thường, nếu chưa học Reggio rất dễ mất bình tĩnh nếu trẻ ngang ngược như thế. Và con chắc cũng thường xuyên làm như thế troll các cô, rồi bị các cô cưỡng bức giật quyển truyện đi rồi khóc đành đạch (em đoán vậy).



Nên cô Trang dùng kế mềm nắn rắn buông, không thích cất thì mình tạm thua vậy:
"Moon đang đọc dở truyện à con? Truyện gì đấy con?"
"Truyện em bé bị quạ cắp đi =)))) "
"Con đang đọc đến đây à? Cô đọc tiếp cho nhé"
"Vâng" Các bạn khác thấy thế cũng xúm vào nghe.

Sau đó cô Trang đọc hết phần truyện đó cho Moon (quyển truyện cực dày nha, phải có khoảng 5 7 truyện gì ấy, nhưng chỉ đọc truyện mà con đang đọc dở thôi là dừng lại) "Câu chuyện cô kể đến đây là hết rồi. Chúng mình cất truyện đi, mai lại đọc nhé"
"Vâng ạ" , rồi Moon đưa truyện cho cô mà chẳng còn luyến tiếc gì nữa <3
Kết luận: Việc chúng ta cưỡng bức kết thúc một hoạt động đang còn dang dở của con là một sự đả kích mạnh mẽ đến tâm lý của trẻ.
Trước khi muốn trẻ dừng một hoạt động nào đó, ta cần thông báo cho con là "Còn 5, 10 phút nữa là hết giờ, chúng mình chuẩn bị cất nhé", "Còn 2 phút nữa thôi, các bạn sẵn sàng dọn dẹp để làm hoạt động... chưa?" , "Hết giờ rồi, mình cất đồ chơi thôi nào" .
Nếu con vẫn còn luyến tiếc chưa muốn dừng, hãy nhập cuộc,. cùng con vẽ đoạn kết cho trò chơi ấy, và hứa hẹn sự tiếp diễn vào một thời điểm nào đó khác nữa để con không cảm thấy hụt hẫng, mất mát.

P.s: Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ vì đt em hết pin không up được ảnh lên =)))

Hưng phấn không thích hợp ở trẻ nhỏ

23:36 Thêm bình luận
Trẻ hay cáu gắt, khóc mếu, hay không chịu làm bất cứ việc gì cả, cũng chẳng chịu ăn, chỉ chịu mỗi ăn vạ. Nhiều bố mẹ đã tự đặt dấu chấm hỏi to bự trên đầu và không biết tìm câu trả lời ở đâu vì con không có biểu hiện nào cụ thể ra bên ngoài cả. Vậy thì tại sao con lại bỗng nhiên thay đổi đến như thế, ngoại trừ các lý do con đang trong wonderweek, con đang khủng hoảng tuổi lên ba…

1. Trẻ bị ốm 


- Trẻ bị bệnh hoặc chớm bị bệnh nhưng chưa có dấu hiệu ra bên ngoài sẽ có những thay đổi trong hoạt động hệ thần kinh: Giảm khả năng hoạt động của hệ thần kinh, thay đổi trạng thái hưng phấn, trông có vẻ mệt mỏi, kém ăn, hay cáu gắt, không thích chơi như thường ngày.

2. Nhu cầu sinh lý không được đáp ứng

- Trẻ có nhiều nhu cầu khác nhau như nhu cầu sinh lý, nhu cầu giao tiếp, nhu cầu được cảm thấy an toàn, nhu cầu xã hội, nhu cầu tự khẳng định. Trong đó nhu cầu sinh lý là nhu cầu cơ bản, đặc biệt quan trọng ở lứa tuổi này. 

- Nhu cầu sinh lý gồm: Ăn, ngủ, vệ sinh cơ thể, quần áo, vệ sinh môi trường… không được đáp ứng sẽ dẫn tới khó chịu, bực bội, cáu gắt. Một số trẻ rất nhạy cảm với việc thời tiết thay đổi: Gió lớn hơn, trời nóng hơn hoặc lạnh hơn, gió heo may mùa thu, trời sắp mưa… và cáu gắt vì điều đó.

3. Đói vận động

- Phần lớn trẻ ít vận động thì các vận động phức hợp và chức năng thần kinh thực vật thường kém phát triển, hoạt động hệ tuần hoàn, hệ hô hấp bị hạn chế, khả năng lao động chân tay giảm sút, trọng lượng cơ thể tăng nhanh. 

- Trẻ đói vận động còn giảm quá trình oxy hoá trong cơ thể, giảm khả năng chịu đựng của cơ thể, hay mắc bệnh về đường hô hấp

- Sự thiếu vận động do không đảm bảo các điều kiện cho trẻ vận động tích cực, không đủ kích thích cho trẻ hoạt động => Vỏ não giảm khả năng làm việc trong thời gian dài, trẻ chỉ được hoạt động trong các điều kiện không đổi, tiếp nhận tác động như nhau, do đó vốn tri thức, kĩ năng, kinh nghiệm tích luỹ nghèo nàn.

4. Đói giao tiếp

- Giao tiếp là nhu cầu đặc biệt, xuất hiện sớm ở trẻ.

- Trẻ có 2 dạng giao tiếp: giao tiếp với người lớn, giao tiếp với bạn. 

• Giao tiếp với người lớn: Đáp ứng nhu cầu tiếp xúc, trao đổi tình cảm, nhu cầu hoạt động với đồ vật, nhận thức, kinh nghiệm khi giao tiếp với người lớn sẽ được sử dụng để giao tiếp với bạn. 
• Giao tiếp với bạn: có ý nghĩa quan trọng, thường tạo cảm xúc tột đỉnh ở trẻ mà không gì có thể thay thế được. 

ð Không đáp ứng nhu cầu giao tiếp nghĩa là không đảm bảo điều kiện phát triển tâm lý của trẻ, ảnh hưởng đến quá trình thần kinh.

5. Trẻ mệt mỏi

- Mệt moi là kết quả của sự căng thẳng của cơ thể khi phải tập trung vào hoạt động nào đó quá lâu hoặc điều kiện không đảm bảo 

- Trẻ mệt mỏi, khả năng tiến hành các hoạt động phức tạp bị giảm sút, trẻ không thể điều khiển được những vận động thô, không thể tập trung vào hoạt động và hành động của trẻ trở nên đơn điệu, nhàm chán. Ngoài ra, khi quá mệt mỏi, trẻ sẽ có biểu hiện ngủ không ngon, quấy khóc, bướng bỉnh. 

- Sự mệt mỏi xuất hiện vào những thời điểm khác nhau, ở mức độ khác nhau, phụ thuộc vào trạng thái sức khoẻ, đặc điểm hệ thần kinh, tính chất và thời gian hoạt động với mỗi trẻ, nội dung, phương pháp, các điều kiện tổ chức hoạt động của người lớn.
Để tạo điều kiện cho hệ thần kinh của trẻ hoạt động bình thường, cần giúp trẻ nghỉ ngơi tốt, tổ chức tốt chế độ sinh hoạt hằng ngày.

Hiểm hoạ từ đậu nành

23:35 Thêm bình luận
Hầu hết chúng ta đều nghe nói là đậu nành rất tốt cho sức khoẻ. Nhưng nghe có vẻ nó sai sai khi truyền thông tung hô ăn theo quá nhiều và tưởng chừng như đậu nành trở thành sản phẩm thần thánh. Đậu nành có thực sự tốt đến thế không? Nó có gây hại gì cho sức khoẻ không?
Nếu bạn tìm đọc các bài viết khoa học nghiên cứu về đậu nành thì câu trả lời sẽ là CÓ.


1. Đậu nành biến đổi gen GMO

Hơn 90% đậu nành Mỹ là đậu nành biến đổi gen. 1996 là năm ra đời các sản phẩm biến đổi gen, người ta đã phát hiện ra trẻ em nhẹ cân hơn, người lớn vô sinh nhiều hơn, và nhiều vấn đề khác ở Mỹ. Tác động gây ra từ đậu nành GMO là DỊ ỨNG, VÔ SINH, DỊ TẬT BẨM SINH, TỬ VONG cao lên gấp 5 lần.

2.Thuốc bảo vệ thực vật

Nhóm các nhà nghiên cứu người Pháp tìm thấy ở trên cây đậu nành rất nhiều thuốc diệt cỏ hoá học, chẳng hạn Glyphosate, có khả năng gây ung thư.

3. Chất gây hại cho cơ thể trong đậu nành hữu cơ

Trong đậu nành trồng hữu cơ tự nhiên cũng có chứa “antinutrients” (chất chống hấp thu chất dinh dưỡng) như saponin, soyatoxin, phytat, chất ức chế trypsin , goitrogens và phytoestrogen.
Đậu nành phải được ủ lên men sẽ phá vỡ được các chất antinutrient này và cơ thể của bạn mới hấp thu được chất dinh dưỡng tốt từ đậu nành. Tuy nhiên, chúng ta hầu như ít dùng các sản phẩm từ đậu nành lên men, mà là đậu nành chưa lên men, ví dụ như sữa đậu nành, đậu phụ, đậu hũ, giá đỗ, TVP (textured vegetable protein, một loại chế phẩm từ đậu nành)

10 ảnh hưởng bất lợi đến cơ thể của đậu nành chưa lên men

1. Phytate: Giảm khả năng hấp thu canxi, magie, đồng, kẽm, sắt . Axit phytic không được trung hoà bằng cách nảy mầm thành giá đỗ hay nấu chín kĩ, chỉ có thể trung hoà được bằng cách lên men nhiều tháng dài. Bữa ăn có nhiều phytate gây ra nhiều vấn đề về tăng trưởng của trẻ.

2. Chất ức chế trypsin: Cản trở tiêu hoá proteinl, có thể gây ra rối loạn tuyến tuỵ.

3. Goitrogen: Ngăn cản tổng hợp hocmon tuyến giáp

4. Hemaglutinin: Chất làm đông máu, nếu máu đông lại thành từng cục trong huyết mạch thì sẽ làm giảm khả năng hấp thu oxi của cơ thể.

5. Khả năng tổng hợp vitamin D: Các thực phẩm từ đậu nành làm tăng nhu cầu về Vitamin D của cơ thể. Do đó các nhà sản xuất các chế phẩm từ đậu nành sẽ thêm vào các vitamin D2 nhân tạo vào sữa đậu nành (đó là một dạng độc của vitamin D)

6. Vitamin B12: Đậu nành có chứa một hợp chất tương tự Vitamin B12 mà cơ thể không thể hấp thu được.

7. Protein biến tính: Protein Fragile được biến tính trong quá trình xử lý nhiệt độ cao làm cô lập protein đậu nành. Các hình thức xử lý bằng hoá học làm cho đậu nành sinh ra lysinoalanine độc hại và chất nitrosamine gây ung thư cao.

8. MSG: MSG hình thành trong trong quá trình chế biến, cộng với MSG trong bột ngọt thường được thêm vào trong chế biến tạo ra mùi khó chịu cho đậu nành.

9. Phytoestrogen / Isoflavones:Ngăn chặn Estrogen bình thường của cơ thể, phá vỡ chức năng nội tiết, gây vô sinh, tăng nguy cơ ung thư vú.

10. Nhôm, Mangan: Đậu nành chứa một lượng nhôm gây hại cho hệ thần kinh, thận, Mangan tàn phá hệ thống trao đổi chất chưa trưởng thành của trẻ nhỏ.

Chất ngăn cản hấp thu chất dinh dưỡng ở đậu nành khá mạnh. Nếu phụ nữ uống 2 ly sữa đậu nành mỗi ngày có thể làm thay đổi chu kì kinh nguyệt của họ. Nhưng nếu bạn cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ sử dụng sữa đậu nành, hiệu ứng này được gấp lên 1000 lần. Trẻ sơ sinh uống sữa công thức làm từ đậu nành có estrogen lưu thông trong cơ thể nhiều hơn 20000 lần so với trẻ không ăn. Vì thế đừng bao giờ cho trẻ uống nó.

Thế nhưng ĐẬU NÀNH LÊN MEN lại là một câu chuyện khác hoàn toàn, và nó có thể là một thực phẩm có lợi cho bữa ăn của bạn. Đậu nành lên men cung cấp Vitamin K2 (kết hợp với Vitamin D) cần thiết để ngăn ngừa loãng xương, bệnh tim mạch, mất trí nhớ, và các loại ung thư khác nhau.
Các sản phẩm từ đậu nành lên men truyền thống bao gồm:
Natto, Súp Miso, Tempeh, nước tương lên men từ đậu nành.

Nguồn: Giáo sư Joseph Mercola 

Đặc điểm tâm lý trẻ ấu nhi (1-3 tuổi)

23:34 Thêm bình luận

1. Hoạt động chủ đạo


- KN HĐCĐ: là hoạt động mà sự phát triển của nó quy định những biến đổi chủ yếu nhất trong quá trình tâm lý và trong các đặc điểm tâm lý của nhân cách trẻ ở giai đoạn phát triển nhất định của nó.

- Hoạt động chủ đạo của trẻ ấu nhi: Hoạt động với đồ vật.

- Ý nghĩa:

• Nhờ có hoạt động này, chức năng của các đồ vật lần đầu tiên được bộc lộ ra trước đứa trẻ, trở thành đối tượng thu hút sự chú ý của trẻ, kích thích trẻ tìm tòi, khám phá -> Nắm được chức năng của đồ vật, biết được phương thức và hành động với đồ vật theo kiểu người -> Quá trình tâm lý của trẻ phát triển, đặc biệt là trí tuệ

• Trẻ nắm được phương thức sử dụng đồ vật trong sinh hoạt hằng ngày thì đồng nghĩa trẻ cũng lĩnh hội được các hành vi, quy tắc trong xã hội, một bước phát triển quan trọng trong quá trình học làm người của trẻ.

• Yêu cầu: đảm bảo an toàn cho trẻ để trẻ được hoà nhập với thế giới thật, và đồ dùng thật, hoặc ít nhất đồ chơi mô phỏng cũng giống đồ thật từ 70% . Để qua đó trẻ không chỉ học được hình dáng, màu sắc, mà còn là chất liệu, độ thô nhám, trọng lượng… qua xúc giác, đây là điều mà đồ chơi gỗ, nhựa thông thường không làm được. Tuy nhiên, nếu bố mẹ không có khả năng bao quát trẻ an toàn, thì có thể sử dụng đồ chơi an toàn để kích thích thị giác và hoạt động cho trẻ.

2. Ngôn ngữ của trẻ ấu nhi

- Trẻ trong giai đoạn này bắt đầu phát triển về ngôn ngữ. Đây là thời kỳ lĩnh hội ngôn ngữ diễn ra đặc biệt có hiệu quả. Trẻ tiếp cận, nắm bắt, bắt chước ngôn ngữ thông qua khẩu hình miệng: Môi, lưỡi, răng… và âm phát ra của người lớn. Do vậy, người lớn nên chú ý đến cách nói chuyện của mình với trẻ: Chậm, rõ ràng, nhắc lại nhiều lần để trẻ có thể học được.

- Ngôn ngữ phát triển theo 2 hướng: Hoàn thiện sự thông hiểu lời nói của người lớn, hình thành ngôn ngữ tích cực cho trẻ.

3. Tư duy của trẻ ấu nhi

- Tư duy của trẻ ấu nhi là tư duy trực quan hành động, đó là những biểu hiện gắn chặt với hành động trong những tình huống cụ thể.

VD: Trẻ ở giai đoạn trước mặc nhiên nghe lời người lớn, nhưng trẻ ấu nhi đã biết biểu thị ý muốn nội tâm của mình. Trẻ không muốn ăn sẽ mím môi, ngậm miệng, quay mặt đi, đẩy thìa ra.

- Hoạt động với đồ vật trong giai đoạn này sẽ giúp phát triển tư duy, trí tuệ, trí nhớ của trẻ.

- Trẻ lưu giữ mọi thứ thông qua hình ảnh của chúng trong não, vì thế nên trẻ có quy tắc về thứ tự, vị trí không gian và thời gian rất chính xác. Maria Montessori đã gọi là sự nhạy cảm về tính trật tự, hay “Tính trật tự thần bí”. Thể hiện ở chỗ, Khi có sự thay đổi vị trí của đồ vật, trẻ nhanh chóng nhận ra 

=> Bố mẹ, cô giáo có thể dạy trẻ ngăn nắp bằng việc tự mình để đồ đã lấy về chỗ cũ. Trẻ ghi nhớ thời gian rất tốt dù chưa biết giờ và phút, vì thế nên khi bố mẹ hẹn trẻ giờ đón trẻ với trẻ (Ví dụ 4h mẹ đón, 4h30 bố đón…,) đến đúng khoảng giờ đó trẻ sẽ sinh tâm lý mong ngóng, do đó bố mẹ nên giữ lời và cần hẹn đúng giờ thay vì nói chung chung (mẹ sẽ đón sớm, chiều nay mẹ đón…)

- Sự phát triển tri giác và sự hình thành những biểu tượng về thuộc tính đồ vật:

• Đầu tuổi ấu nhi: Trẻ chỉ nhận biết được một dấu hiệu nào đó của đồ vật
• Cuối tuổi ấu nhi: Tri giác tăng lên rất nhanh, tinh vi và hoạt thiện hơn.

VD: Đầu tuổi ấu nhi trẻ cầm ô tô đồ chơi chỉ nhìn, gặm, sờ bánh xe rồi ném đi để xem sau khi ném thì điều gì xảy ra. Nhưng cuối tuổi ấu nhi, trẻ đã có thể chơi móc nối các ô tô lại với nhau thành đoàn tàu, xếp ô tô nhỏ lên ô tô lớn để chở đi vì hiểu được ý nghĩa di chuyển của ô tô.

Tiền đề của sự hình thành nhân cách trẻ ấu nhi

1. Sự hình thành thế giới nội tâm

- Biểu hiện cụ thể là trẻ không còn thụ động làm theo người lớn

- Khi lên 2 tuổi trẻ bắt đầu biết suy nghĩ, ghi nhớ: Trí nhớ đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của trẻ, giúp thế giới nội tâm của trẻ được hình thành.

VD: Trẻ học thuộc bài hát, bài thơ rất dài rất nhanh, thậm chí nhanh hơn người lớn

- Trẻ bắt đầu hình thành một cấu tạo tâm lý bên trong có tác dụng chi phối hành vi. Tuy nhiên những hành vi của trẻ chưa có tính xác định như người lớn, do đó trẻ bắt chước các hành động của người lớn làm. Cuối tuổi ấu nhi, trẻ hình thành hành động có mục đích bằng lời nói, thể hiện ý muốn chủ quan của bản thân rõ ràng hơn.

- Trẻ bắt đầu hình thành những hình thái cảm xúc rõ ràng: Vui vẻ hớn hở hay buồn bã. Do đó để dạy trẻ về các hành vi tốt, bố mẹ nên khen khích lệ trẻ khi trẻ làm được nó. Đồng thời, khi trẻ nỗ lực để chuyển hoá bản thân, sửa sai thì bố mẹ cũng nên khen trẻ để lần sau trẻ không tái phạm.

2.Sự xuất hiện tự ý thức: Dấu hiệu đầu tiên của quá trình hình thành nhân cách: Xuất hiện lúc trẻ lên 3.

• Trẻ tự ý thức được mình là một con người độc lập:
• Trẻ biết tên mình, xưng hô “tớ, con, mình, cháu” ở ngôi thứ nhất
• Biết được về sự sở hữu: Mắt của con, mắt của mẹ…
• Trẻ thích khẳng định bản thân làm được và không muốn nhờ người lớn làm giúp.
• Trẻ tự đánh giá được việc làm của mình là đúng hay sai, được làm hay không được làm.

3. Nguyện vọng độc lập, TANTRUM, và khủng hoảng tuổi lên 3:

Biểu hiện:
• Muốn tự mình làm mọi việc
• Muốn được làm theo điều mình suy nghĩ và mong muốn
• Trẻ xuất hiện: Ích kỷ, lì lợm, không nghe lời, bướng bỉnh. Khi những việc trẻ không vừa ý bắt buộc phải xảy ra (Mẹ không cho phép trẻ làm việc gì đó) thì trre sẽ ném vứt đồ đạc, đánh đấm cấu cắn, gào khóc ăn vạ, giật tóc những người xung quanh… để thể hiện cơn giận dữ của mình.
• TANTRUM xảy ra khi trẻ ở 18-24 tháng, bé hay làm nũng, vòi vĩnh, quấy khóc ăn vạ và đòi bế dù đã biết đi… và có những đòi hỏi kì quặc bằng được, không được thì nằm lăn ra khóc, đập chân tay, đồ đạc…
Biện pháp:
• Tôn trọng tính độc lập của trẻ
• Yêu thương trẻ, chấp nhận một vài đòi hỏi của trẻ nếu bố mẹ có thể đồng ý được: Con đòi được cầm đũa, cầm dĩa trong khi ăn thay vì cầm thìa, con đòi được cầm chổi lau nhà… dù còn vụng về.
• Bé trong giai đoạn TANTRUM thì chưa hiểu sâu sắc về sự đúng sai, nên bố mẹ không cần giải thích quá nhiều cho bé, chỉ thể hiện rõ ràng quan điểm của mình: ĐỒNG Ý, KHÔNG ĐỒNG Ý và nhất quán với quan điểm đó Không-là-không. Bé sẽ khóc và ăn vạ ghê gớm vài lần, nhưng rồi sẽ hiểu là thứ đó là không được, sẽ giảm nhẹ TANTRUM. Còn khủng hoảng tuổi lên ba do giai đoạn TANTRUM chưa xử lý triệt để, dẫn đến từ 3 tuổi trở đi, ý thức về cái tôi của bé rõ ràng hơn, bé sẽ càng bộc lộ thêm nhiều hành vi xấu để thể hiện cái tôi của mình.
• Không áp đặt, bắt trẻ làm theo ý của mình, tạo điều kiện để trẻ bộc lộ cảm xúc của mình, giãi bày mong muốn, tình cảm, nguyện vọng của mình một cách tự nhiên, chân thật, và bình tĩnh.
• Cần kiên trì với những hoạt động của trẻ, khi muốn trẻ hoàn thành nó tốt hơn cần khuyến khích động viên.
• Lời khen chỉ có ý nghĩa khi nó là lời khen vào thời điểm kết thúc quá trình (chuyển hoá thành người tốt sau khi ăn vạ xong, làm một việc tốt hơn lần trước…), nghĩa là khen cả quá trình lao động của trẻ

• Trẻ rất có đam mê và hứng thú với công việc mới giống như người lớn thường làm, do đó muốn đổi hoạt động cho trẻ cần nói trước với trẻ và lắng nghe ý kiến, mong muốn của trẻ.

Hai đứa trẻ tranh nhau một cái thìa, cô phải làm sao?

23:32 Thêm bình luận
Đấy là một chủ đề trong 7 chủ đề được tranh luận về cách xử lý hành vi của trẻ ở trường mầm non mà buổi chiều hôm nay mình được học. Đáng lẽ ra thì nó chẳng có gì đối với GV mầm non, nhưng mà nó lại là một chuyện để nghĩ.

Vì các bạn ấy nghĩ rằng, khi ra trường mầm non gặp trẻ các bạn ấy không bình tĩnh nổi để nghĩ ra cách giải quyết thấu đáo hơn, tình cảm hơn, bình tĩnh hơn, nhẹ nhàng hơn. Đổi cái thìa khác là xong, thoả thuận lại là xong, bắt đứa kia dùng cái thìa khác và nhường cho bạn là xong. KHÔNG. NHƯ THẾ CHƯA XONG ĐÂU.

Các giáo viên khác sẽ không để cho các bạn ấy thời gian để CÓ CƠ HỘI được giải quyết bằng hoà bình, không phải bằng quát nạt.

Chính các giáo viên tương lai như các bạn ấy cũng không biết giải quyết trong hoà bình là như thế nào. Hoà bình không phải là nịnh nọt, dỗ dành kiểu “thả thính”, trao đổi, lựa lời mà nói cho lòi tiền ra… à cho vừa lòng nhau. Nó càng chẳng phải là kiểu cô lải nhải nhiều quá rồi trẻ cũng phải chào thua, chặc lưỡi đồng ý.


Vậy giải quyết bằng hoà bình là như thế nào?

Thứ nhất: Khi cô có 2 trẻ đang cãi nhau, cô phải tách hai trẻ ra để xử lý từng người một. Cô cảm thấy người nào là nguyên nhân của sự việc thì nói chuyện với người đó trước. Trường hợp này cả 2 bé tranh thìa của nhau, ai là người cầm vào cái thìa trước thì để cho ở lại bàn, ai tranh lấy thìa thì cô giáo đưa bé ra ngoài nói chuyện, cô nói với bạn ở lại bàn rằng cô sẽ nói chuyện với bạn A trước, nói chuyện với con sau, con có thể ngồi đây chờ cô được không? Nếu con muốn ăn, con có thể dùng tạm một cái thìa khác trong khi cô và bạn nói chuyện, một lát nữa mình sẽ nói chuyện về cái thìa này sau nhé.

Việc nói chuyện này phải trên cơ sở tôn trọng trẻ, không phủ đầu trẻ nào là đứa trẻ hư, trẻ bị đưa ra ngoài để nói chuyện không bị mang tâm thế là người THUA CUỘC, người SAI, người duy nhất SẼ BỊ PHẠT. Việc giáo dục trẻ phải dựa trên nguyên tắc KHÔNG THƯỞNG, KHÔNG PHẠT.
Thứ hai: TƯƠNG TÁC

Cô trò chuyện với trẻ nhẹ nhàng như người bạn của trẻ, không dùng quyền uy của người lớn để nói chuyện với trẻ.

Tương tác với trẻ bằng những câu hỏi như: “Vì sao hai bạn lại cùng muốn lấy cái thìa?”, “Cái thìa này có gì đẹp hơn những cái thìa khác mà con lại thích nó đến thế, con nói cho cô nghe được không?”, “Lúc nãy con với bạn đang tranh nhau cái thìa, nên cô vẫn chưa biết lúc đấy ai là người cầm nó trước. Lúc đấy sự việc xảy ra thế nào, con kể cho cô biết đi”… Những câu hỏi như thế chẳng có gì khó cả. Nhưng cô giáo phải bình tĩnh thì mới nghĩ được ra để hỏi trẻ được. Còn cô giáo mà không tin nổi bản thân mình có thể bình tĩnh được, thì hít sâu thở nhẹ đi, dừng lại một nhịp trước khi nói, để trẻ cảm nhận được là cô đang bình tĩnh, và sẽ không quát lên với mình.

Sau đó cô có thể nói rằng: Cô cũng thấy cái thìa này rất đẹp, bạn thìa bằng inox sáng bóng, ánh lên ánh sáng màu bạc rất giống với vòng cổ của con. Nhưng mà lúc chúng mình tranh nhau cái thìa ấy, bạn thìa bị giằng sang bên này, rồi lại giằng sang bên kia rất là đau. Nếu mà có ai giằng tay con sang bên này, rồi sang bên kia, hay bạn kéo tay con như này này… thì con có đau không? Có khó chịu không? Ừ khó chịu nhỉ. Thế con thấy việc các bạn mà giằng tay mình như thế có đúng không? Không đúng phải không. Thế nên sau này, nếu cả hai bạn cùng thích một cái thìa, thì chúng mình thương lượng với nhau, hôm nay tớ dùng, mai bạn dùng để không cãi nhau nhé. Đồng ý không? Lát nữa ra bàn, con nói với bạn là mai cậu ăn thìa này, tớ ăn thìa khác, rồi hôm sau nữa mình đổi lại nhé.

Đến khi quay trở lại bàn, có thể bạn ấy đã đang ăn thìa khác hay chưa ăn, thì cô giáo cũng cần nói lại câu chuyện lúc nãy cô trao đổi với bạn kia cho bạn ấy nghe, để bạn ấy biết rằng khi cả hai người cùng thích một thứ thì chẳng ai là người có lỗi cả. Mà chúng mình phải biết cách cư xử với nhau thế nào để cả hai cùng cảm thấy vui vẻ, không tranh giành nhau. Đồ chơi cũng thế, khi cả hai người cùng thích, chúng mình có thể tập cách chơi chung với nhau một cách hoà thuận.


Cho nên, ở trường mầm non cách cư xử, đạo đức của người giáo viên rất quan trọng. Nhưng hôm nay đã chẳng ai có đủ bình tĩnh để nghe hết cách giải quyết của mình cả, nên mình viết ra đây cho các bạn biết cách xử lý hành vi mình từng được đi học là gì. Đó là cách cô giáo REGGIO làm với trẻ của mình. Vì yêu trẻ, tôn trọng trẻ là việc cần được đưa lên hàng đầu. Nhưng trẻ cũng cần được học làm sao để tôn trọng người khác, để sống được trong một cộng đồng một cách hoà bình và hạnh phúc nữa.

Sự công bằng trong mắt trẻ

23:31 Thêm bình luận
Trong một gia đình, một cộng đồng mà có nhiều hơn một đứa trẻ sẽ rất dễ xảy ra xung đột, mâu thuẫn, tranh giành lẫn nhau. Câu hỏi lớn nhất của phụ huynh khi phải "trông" cùng một lúc 2 hay nhiều đứa trẻ là: "Làm sao xử kiện được chúng nó?" Cứ hễ một lúc lại có đứa chạy ra phô ba phô mẹ, vậy phải làm sao?

1. Không bắt đứa lớn nhường đứa nhỏ


Cái chuyện vô lý nhất trong cuộc đời của chúng nó chắc là chuyện phải nhường đồ gì đó cho đứa bé hơn mình. Có một miếng bánh ngon mà có 2 đứa, kiểu gì đứa lớn cũng là đứa "nhịn". Có một cái ô tô mà đứa bé đòi, đứa lớn kiểu gì cũng là đứa phải "nhường em đi con". Chính vì những thứ như thế nên ở Việt Nam, chẳng có cái gì tên là XẾP HÀNG cả, thằng nào to con hoặc to mồm hơn thì thằng đấy được lợi hơn.

Vì thế nên, hãy là người phân xử công bằng. Nếu con có một miếng bánh mà em đòi, con hãy bẻ một nửa cho em. Nếu hai con chỉ có một món đồ chơi, con hãy thử dạy em cách chơi, và chơi cùng em. Hoặc mẹ tạo ra một trò chơi khác mà không cần dùng đến đồ chơi cho cả hai con cùng chơi. Hoặc mẹ dạy con biết về quyền sở hữu.

2. Quy tắc thứ tự

Đứa đến sau luôn luôn hiểu được rằng thứ đó thực sự không thuộc về nó. Nhưng nó lại biết rằng khi nó khóc và giằng lấy, thứ không phải của mình sẽ thuộc về mình. Nên điều mà bạn cần dạy cho những bé như thế là : "Cái này là của ai hả con?" Nếu không phải của con, con không được phép đòi. Con hãy hỏi xin, nếu được đồng ý thì con lấy, không được đồng ý thì con phải chấp nhận.

Trường hợp con không muốn chia sẻ đồ chơi với bạn khác đến chơi nhà, thì đó là quyền của con. Vì đồ chơi đó thuộc quyền sở hữu của con, con có thể đồng ý hoặc không đồng ý. Và mẹ phải tôn trọng điều đó. Mẹ không nên nói con hư quá, con keo kiệt, con ki bo, xấu tính hay bắt con phải cho bạn chơi cùng... Mẹ có thể đợi sau này dạy con cách chia sẻ những thứ mình có cho người khác sau một cách dần dần.

3. Trấn an con


Nếu con là người bị bắt nạt, bị trêu ghẹo, bị giành mất đồ chơi... và con vô cùng ấm ức, tìm đến mẹ như một cây tùng cây bách của con thì sao? Mẹ đừng-bao-giờ thay con đi tìm bạn kia để đòi công bằng giùm. Mẹ chỉ nên nói với con rằng: "Con thấy bạn làm thế là đúng hay sai?" Nếu bạn sai, mình đừng làm giống như thế. Sau đó, mẹ có nói chuyện phải trái với bạn kia hay không thì con cũng cảm thấy nhẹ lòng rất nhiều rồi.

Nuôi- dạy - tạo môi trường thuận tự nhiên cho trẻ

23:30 Thêm bình luận
Các mẹ nói với mình rằng, thao thao bất tuyệt về thuận tự nhiên thì dễ lắm. Chị thấy mình cũng có thuận tự nhiên đâu, chị vẫn dùng đồ công nghệ, vẫn đi xe máy chạy bằng xăng... nghe những điều ấy mình thấy cũng băn khoăn lắm.

Nhưng mà,

Chúng ta không thể tách mình ra khỏi cộng đồng mà khoa học, công nghệ, máy móc phát triển như vũ bão và gây nguy hại đến môi trường khủng khiếp vô cùng. Nhưng ít nhất, chúng ta biết được rằng, khi ta dùng ít đi 1 chiếc túi nilon, là ta đã bớt đi 100 năm để phân huỷ nó. Khi ta tắt chìa khoá điện khi dừng đèn đỏ, ta đã làm giảm đi lượng khói thải mà nó xả vào môi trường.

Chúng ta.

Có thể làm được.
Những việc nhỏ nhoi.
Để vì một điều to lớn.

Phải không?

Bài viết dưới đây có thể gợi ý cho bạn một vài cách khi chăm sóc, nuôi dạy, và tạo môi trường cho con sống cuộc sống thuận tự nhiên:

1. Cho con bú mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu, và duy trì sữa mẹ đến 24 tháng => Bạn tìm hội sữa mẹ Betibuti và Hội ăn dặm Betibuti

2. Ăn dặm thuận tự nhiên để phát triển thân, tâm trí của con - Ăn dặm BLW (Baby led weaning) - bạn tìm Hội những người thích phương pháp ăn dặm Baby led weaning

3. Nuôi con thuận tự nhiên - sử dụng thực phẩm hữu cơ không phun hoá chất, không chất bảo quản, không chất tạo ngọt, không chất tạo mùi, không chất tạo màu, không phân bón. Và không phải là thực phẩm đóng hộp, thực phẩm sản xuất công nghiệp => Không sử dụng tất cả các sản phẩm đóng hộp mua từ minimart, siêu thị, cửa hàng tạp hoá như xúc xích, sữa chua, bimbim, bánh kẹo, đường sữa, sữa bò, sữa cừu dê...

Thay đường kính bằng đường thốt nốt, mạch nha, mật ong, thay sữa chua đi mua bằng sữa chua mẹ làm, các loại bánh đơn giản làm tại nhà bạn có thể tham khảo tại album ăn dặm của Baby Healthcare nhé.

4. Tạo môi trường thuận tự nhiên - Các vật dụng trong nhà nên được làm từ sản phẩm không gây hại cho môi trường => Hạn chế dùng túi nilon, hộp nhựa để đựng đồ ăn. Đồ chơi của con nên là các khối lego gỗ, hoa lá thiên nhiên, trái cây, đất, cát, nước... để con tìm hiểu về thiên nhiên. Dạy con tưới cây, trồng cây, chăm sóc hoa, và yêu thương động vật. Có thể tham khảo fb của các giáo viên về Reggio, Montessori, Steiner như cô Huong Le Mai (Casa Hanoi), cô Catherine Yen Pham (Sunshine Village), cô Huong Nguyen (Hanoi Steiner), Cô Lê Nhất Phương Hồng (Betibuti), cô Health Coach Trần Lan Hương, Bác sĩ Nguyễn Lan Hải và đọc các sách về các phương pháp giáo dục thuận tự nhiên này để áp dụng homeschooling cho con mình.

5. Tuân thủ quy tắc 3 tôn trọng: Tôn trọng chính mình (không ăn thứ có hại cho sức khoẻ, không tự hại bản thân, không để ai được phép xúc phạm và xâm hại đến thân thể và tự tôn của mình), tôn trọng người khác như tôn trọng chính mình, tôn trọng thiên nhiên và đồ công cộng.

Yêu thiên nhiên. Yêu trẻ. Yêu cuộc đời.

Nghệ thuật khen con

23:29 Thêm bình luận
Ta có cả một thế hệ bố mẹ dạy con bằng roi vọt, bằng những lời chì chiết để mong "Thương cho roi cho vọt", có mắng thì mới khôn ra. Cả một tuổi thơ của chúng ta sống và lớn lên thiếu vắng lời khen khích lệ vô cùng, vì thế nên khi đối diện với con, ta chẳng biết khen thế nào thì đúng cả. Ta rụt rè khi sử dụng lời khen, có thể sẽ khen khắp mọi nơi mọi lúc, có thể sẽ chẳng bao giờ khen con.


Ví dụ con bạn đang vẽ tranh, và bạn thấy những hình ảnh con vẽ dù nguệch ngoạc nhưng rất đáng yêu. Bạn sẽ làm gì? Hãy thử tưởng tượng những việc bạn muốn làm với con khi ấy đi. Có phải sẽ lại buột miệng "Ôi bức tranh của con đẹp quá" không? Rồi nói xong câu đó, bạn sẽ nói câu gì nữa? Hết rồi. Chẳng còn gì để nói thêm nữa cả. Và đến tận khi con vẽ xong, bạn cũng sẽ chẳng có gì để nói với con nữa luôn.

Chúng ta ta không thể để con đang vẽ dang dở đã khen Ồ CON VẼ ĐẸP QUÁ được . Vậy tới lúc con vẽ xong rồi, bạn sẽ dùng câu gì cao hơn nữa để khen con cho đủ độ. Con đã vẽ đẹp hơn nhiều so với lúc mẹ khen trước đó mà, sao mẹ không khen con nữa? Sao mẹ không trân trọng tác phẩm khi đã hoàn thành của con bằng một lời nói gì đó đi. Lúc đó mới là lúc con mong chờ lời khen của mẹ để con được tự hào về quá trình mình vẽ rất hăng say.

Trong suốt quá trình con làm, bạn chỉ nên dùng một vài lời khuyến khích, khích lệ con, hoặc vài câu hỏi tương tác con để gợi mở thêm tư duy của con thôi: "À, đó là ông mặt trời phải không con?" , "Hai người bạn trong bức tranh này dễ thương quá. Bạn tên là gì vậy con?" , " Tại sao bạn trai, bạn gái lại cầm hai chiếc lá của bông hoa nhỉ. Đó có phải là bàn tay của bạn hoa không con?" , "Mẹ thấy bầu trời của con chưa có đám mây, có phải trời nắng thì không có mây không? Hay mình vẽ thêm đám mây che bớt ánh nắng cho các bạn mát hơn nhé" .... Mắc mớ gì con chưa vẽ xong bạn đã phải khen con?

Khi con vẽ xong rồi, bạn mới nói lời động viên khích lệ con: "Bức tranh của con thật là dễ 
thương"."Con có muốn ký tên vào bức vẽ của con không''. Bạn có thể đặt thêm các câu hỏi để biết ý nghĩa của câu chuyện của 2 bạn trong bức tranh, ý nghĩa của những hình mà con vẽ. Qua đó bạn sẽ hiểu được thêm thế giới nội tâm của con, những sự vật, sự việc xung quanh con.

Cuối cùng thì, "Con muốn mẹ trưng bức tranh này của con ở đâu?'' Và mẹ có thể đóng khung để con treo bức tranh trong phòng con, phòng khách... để mọi người cùng tự hào về bức tranh con vẽ. Điều đó có ý nghĩa thật tuyệt vời đối với tâm lý của con. Con sẽ hiểu được rằng, những sản phẩm con dốc tâm làm ra, ba mẹ đều trân trọng nó, con cũng học được là phải trân trọng những điều mà người khác làm ra.


Một lời khen chỉ có ý nghĩa khi nó là lời khen tôn trọng, khích lệ cả quá trình lao động của con. Khi con làm sai một điều gì đó và biết sửa sai, xin lỗi, lời khen còn có ý nghĩa động viên con, ghi nhận sự chuyển hoá bản thân của con trở nên tốt hơn. Hãy khen con đúng lúc, đúng chỗ để lời khen phát huy được hết tác dụng tuyệt vời của nó.

Làm thế nào dạy con đối mặt với bạn xấu đối với các bé tự kỷ

23:28 Thêm bình luận
Trong cuốn "Facebook Tự Kỷ" của Danang Ho (tr.431) có nhắc đến chủ đề: làm thế nào dạy con đối mặt với bạn xấu đối với các bé tự kỷ. Mình nghĩ đây là chủ đề được nhiều bố mẹ quan tâm nhất, bất kể là bé nào từ độ tuổi mẫu giáo đến tiểu học, cho đến THCS.

Ở đâu cũng vậy, trong lớp, trong trường của trẻ hoàn toàn có thể có những trẻ ngỗ ngược, thích trêu chọc, thích ức hiếp, bắt nạt, thích miệt thị dè bỉu một hoặc nhiều trẻ hiền lành, ít nói, nhút nhát trong lớp, thường xuyên nhất phải kể đến các trẻ khuyết tật. Không chỉ bị hành hung, đán đập, miệt thị, trẻ bị bạn xấu ức hiếp còn có thể bị xúi giục, thách thức làm những hành vi trái với thuần phong mỹ tục, đạo đức như giật tóc, vỗ mông bạn nữ khác trong lớp hoặc là tay sai thực hiện các hành vi ức hiếp, đánh đập các bạn khác bất kể khi nào được yêu cầu. Những hành vi này trẻ có thể hoặc không nhận biết được hết hậu quả của nó, nhưng vì sợ hãi mà các em không dám nói với cha mẹ, dẫn đến lo âu, trầm cảm, sợ hãi, tự dằn vặt...



Động cơ của các bạn xấu là muốn áp đặt quyền uy của mình lên những người yếu đuối, các trẻ ít có bạn bè, thường hay chơi một mình thường là đối tượng của chúng. Các hành vi này thường xảy ra ở những nơi ít có người lui tới đặc biệt là giáo viên, ví dụ như sân trường, cuối hành lang, phòng vệ sinh, phòng tập thể dục, trên đường về nhà...

Dưới đây là những hướng dẫn lược trích từ bài viết trong sách "Facebook Tự Kỷ", hi vọng có thể giúp mọi người có thêm kỹ năng xử lý khi con bị "bạn xấu" bắt nạt.

1. Cha mẹ nên

- Kiếm cớ xin phép giáo viên được gặp con vào buổi trưa để có thể ngầm theo dõi hành động của các bạn với con trong giờ ăn cơm trưa hoặc giờ ra chơi ở trường (nếu có thể), hoặc nhờ giáo viên, cán bộ trong trường theo dõi giúp con em mình.

- Cha mẹ có thể lập 1 bảng gửi cho giáo viên các môn nhờ họ thực hiện đánh giá, nhận định, góp ý về cách đối xử của con em mình với bạn bè trong lớp

- Cha mẹ nên hướng dẫn con nhận biết ai là bạn đáng tin, ai là bạn xấu, và biết mạnh dạn lên tiếng khi bị bạn xấu bắt nạt.

- Sáng tạo ra các vở kịch mà diễn viên là các thành viên trong gia đình có nội dung định hướng cách cư xử khi con gặp bạn xấu: Phản kháng, né tránh, kêu cứu...

- Cha mẹ lo lắng về sự an toàn của con thì nên mạnh dạn đề đạt yêu cầu với giáo viên hay ban giám hiệu để được giúp đỡ.

10 điều dạy con đối mặt với bạn xấu

1. Biết lên tiếng - Khi con bị bạt xấu trêu chọc và ức hiếp con nên, cần, và phải nói với cha mẹ, vì cha mẹ là người sẽ luôn luôn bênh vực và bảo vệ con.

2. Biết né tránh - Nếu con bị các bạn trêu ghẹo vào giờ nghỉ, con nên tránh chỗ có các bạn xấu hay lui tới, tìm cách đến gần người lớn, hoặc chỗ có đông các bạn khác.

3. Biết phản đối - Nếu con tiếp tục bị làm phiền, dạy con hét thật to lên: "Tránh ra !" rồi quay người bước thật nhanh ra chỗ khác.

4. Tìm nhân chứng - Trước khi con chạy đi, hãy dặn con quan sát xem xung quanh có bạn nào thân thiết với con hoặc đáng tin không để sau này nhờ bạn làm nhân chứng.

5. Không trả đũa - Trêu ghẹo, miệt thị, chì chiết người khác là hành động xấu. Khi bạn làm như thế với con, cha mẹ cần dạy con con không nên dùng lời lẽ xấu trả đũa lại bạn. Hãy nói với bạn: "Tránh ra, đừng động vào tôi".

6. Nghĩ kỹ trước khi làm - Nếu ai đó muốn con làm một điều gì mà con cảm thấy kỳ lạ, hãy dạy con suy nghĩ, không nên làm theo ngay lập tức. Con có thể tham vấn với cô giáo hoặc một người bạn mà con tin tưởng.

7. Giữ khoảng cách - Bạn xấu không phải là đối tượng cần phải "làm thân", con cần giữ khoảng cách với các đối tượng này. Không nên tìm cách làm vừa lòng họ.

8. Tìm bạn tốt - Trong lớp chắc hẳn sẽ có những bạn không học quá xuất sắc, không chơi thể thao giỏi, cũng không quá nổi bật về ngoại hình nhưng hiền lành và muốn kết thân. Hãy tạo điều kiện cho con chơi thân với các bạn này để cùng giúp đỡ nhau (mời bạn của con đến nhà ăn tối, mời bạn đi chơi cuối tuần cùng gia đình, tặng món quà nhỏ cho bạn..)

9. Stop here - Nếu người một mực yêu cầu con làm một việc gì đó (không phải là giáo viên, cha mẹ, họ hàng, bạn tốt ở số 8) thì con buộc phải dừng việc đó ngay lập tức không được làm tiếp (kể cả con đã bắt đầu làm rồi)

10. Biết bắt chước - Trong trường, trong lớp sẽ có nhiều bạn được tuyên dương là tấm gương người tốt việc tốt, bạn nhỏ ngoan có hành động đẹp... cha mẹ nên hướng dẫn con quan sát việc làm của các bạn đó và kể lại với cha mẹ, thông qua đó cha mẹ có thể định hướng những việc con nên làm, sinh hoạt, học tập nếu nó thực sự đúng đắn và nên bắt chước theo bạn.
----
Không thể dạy trẻ dùng bạo lực để đàn áp bạo lực, vì bạo lực chỉ được nuôi dưỡng trong môi trường bạo lực, nó lớn nhanh như quá trình phân bào, và bất diệt như cỏ dại.

Mầm mống bạo lực được hình thành từ nhỏ sẽ không bao giờ phai nhạt trong tiềm thức của đứa trẻ. Vì thế bất kể khi nào rơi vào tình huống cần suy nghĩ, trẻ sẽ ngay lập tức nghĩ đến bạo lực như một phương thức hữu hiệu cứu nguy cho mình. Điều đó nguy hiểm biết bao nhiêu.,

Vì thế để con không trở thành nạn nhân, cần dạy con PHẢI BIẾT ĐỐI ĐẦU.

Làm gì khi con nói dối, con lấy trộm đồ

23:26 Thêm bình luận

1. Nói dối không xấu


Nói dối chỉ đơn giản là cách xử lý tình huống của con theo cách tư duy của một đứa trẻ. Con nghĩ rằng khi con nói dối, bạn sẽ tin theo hướng đó, vì thế con sẽ không bị phạt, không bị mắng nữa.
Bản chất là con đang bị HOẢNG SỢ, tới mức không dám nói thật. Con hoàn toàn có thể nói thật nếu bạn cư xử khác đi. Bạn phải hiểu mấu chốt đó của vấn đề này để giải quyết nó.

2. Nguyên nhân nói dối

Con buộc phải chọn nói dối để giải quyết khi rơi vào tình huống đó vì:

- Con đã từng nhìn thấy bố mẹ, anh chị, người quen... nói dối thành công.

- Con bị hăm doạ (Nếu con làm cái A, cái B sẽ bị đánh đòn, bị chó sói ăn thịt..., con sẽ nói dối cái A, cái B đã làm thành những điều khác)

- Con không có người để chia sẻ các nhu cầu của con. Khi con muốn làm điều gì đó nhưng không thể và cần sự giúp đỡ, con không có người sẵn sàng lắng nghe.

==> Khi cha mẹ không thường xuyên tâm sự với con để con cởi mở nói lên mong muốn của mình, con sẽ giữ tất cả chuyện vui buồn của con, ước muốn của con vào trong lòng. Điều đó với trẻ con là vô cùng đau khổ. Chúng buộc phải chọn cách cực đoan là tự mình giải quyết mọi chuyện. Do vậy, hệ quả là con NÓI DỐI là do cách cư xử của bố mẹ chưa đúng. Bố mẹ chưa có sự tương tác, thấu hiểu, chia sẻ với con.

3. Giải pháp

- Con sợ bị đánh, bị mắng, bị phạt, bị đe doạ nên con phải nói dối để tránh tội hoặc đổ lỗi cho người khác. Khi đó, con chỉ cảm thấy bố mẹ đáng sợ, bố mẹ không còn thương mình nữa. Việc trách mắng con ngay khi đó không làm con cảm thấy hối hận, sửa sai... nó chỉ làm con tổn thương hơn khi nghĩ mình không còn được ai yêu thương. Sự cô độc trong nội tâm của con càng làm con lấn sâu vào suy nghĩ rằng chẳng còn ai hiểu con nữa cả. Điều đó thực sự nguy hiểm đối với một đứa trẻ.

- Con trộm đồ của người khác nhưng không dám nhận lỗi dẫn tới nói dối. Trong lòng con vẫn biết việc đó là không đúng, nhưng không có sự lựa chọn nào khác. Con thực sự đáng thương trong tình huống đó, chứ không phải là đáng trách.
Do đó, bạn cần:
- Tự cảm thấy có lỗi với con vì đã không chia sẻ, thấu hiểu mong muốn đó của con.

- Không mắng mỏ, chì chiết, vạch trần lời nói dối của con. Việc bạn cố gằn giọng hỏi: Có phải con lấy trộm không? Có phải là con làm không? .... dù bạn biết rõ mười mươi đáp án rồi, chỉ hỏi để con thừa nhận, không phải là việc làm tốt. Nó làm tổn thương tự trọng của con, động vào nỗi đau không ai thấu (là con không còn cách nào khác mới phải như vậy) của con. Nó còn làm con nghĩ rằng: Lần này nói dối không thành, lần sau phải tinh vi hơn để mẹ không phát hiện ra.

- Bạn có thể giải quyết nó bằng cách nói chuyện nhẹ nhàng với con. Hỏi con về những vấn đề xung quanh việc con nói dối đó, tuyệt nhiên không phải hỏi kiểu "mớm cung", ép nhận tội. Con sẽ nhận ra là : À, mẹ biết hết rồi, nhưng mình không bị mắng nhỉ. Và thoải mái kể mọi chuyện ra với mẹ. Mẹ cần làm con hiểu rằng: CON LÀM VẬY LÀ KHÔNG ĐÚNG. NHưng mẹ sẽ không trách phạt con, làm tổn thương tự trọng của con, và mẹ vẫn yêu thương con, mẹ sẽ giúp con cùng giải quyết chuyện đó.


Ví dụ: Con làm vỡ cốc, đổ nước => Mẹ cần hỏi con có bị ướt không, có bị đau không? Xoa đầu con và bảo không sao đâu, ai chẳng có lúc bất cẩn, lần sau con cẩn thận hơn nhé và cùng con dọn dẹp. Sau đó mới thủ thỉ nhẹ nhàng với con: Lúc cái cốc bị vỡ, mẹ đang nấu cơm ở trong bếp nghe tiếng cái gì đó vỡ choang một cái, sợ quá nên chạy lên xem con có bị làm sao không. May mà con không làm sao. Lúc đấy con đang làm gì thế? ... bạn có thể hỏi những điều như thế, thay vì quát con: "CON LÀM VỠ CỐC PHẢI KHÔNG?'' điều đó không thể cứu cái cốc đã vỡ, và còn làm tan vỡ tình cảm của con với mẹ nữa đấy, mẹ ạ.

Xe tập đi - sự lựa chọn tiềm tàng nhiều nguy hiểm

23:25 Thêm bình luận
Nhiều cha mẹ nghĩ rằng mua xe tập đi cho con sẽ giúp con tập đi dễ hơn. Nhưng không phải thế. Sự thật là chính cái XE TẬP ĐI (Hình 1, 2, 3 ) được kì vọng đó lại chẳng giúp ích gì, thậm chí TRÌ HOÃN việc tập đi của con.

Nguy hiểm tiềm tàng - Trẻ em sử dụng xe tập đi có nguy cơ:


1. Lăn xuống cầu thang

Hậu quả xấu nhất có thể xảy ra với trẻ bị ngã xuống bậc cầu thang là gãy xương, chấn thương đầu (sọ não). Hầu hết các bé sử dụng xe tập đi đều đã từng bị ngã rất đau.

2. Bị bỏng:

Chúng sẽ có thể với cao hơn một chút so với khi không dùng xe tập đi (trẻ chưa biết đi chỉ có thể ngồi, tầm với sẽ thấp hơn). Chúng có thể dễ dàng với tay tới bàn là, bình đun nước nóng, lò sưởi điện, điều hoà mini, tủ lạnh...

3. Đuối nước:

Trẻ có thể ngã xuống bể bơi, bồn tắm trong khi đang tập đi bằng xe tập đi.

>>>> Hầu hết các tai nạn với trẻ khi sử dụng xe tập đi đều xảy ra khi bố mẹ hoặc người trông trẻ đang mải xem một cái gì đó mà không trông chừng trẻ kịp thời. Bố mẹ hoặc người giữ trẻ không đủ nhanh để có thể cứu trẻ ra khỏi tình huống nguy hiểm đó ngay lập tức, và hậu quả để lại với trẻ là các thương tật trên cơ thể hoặc ám ảnh về tâm lý đến mãi về sau này.

>>> Vì khi trẻ sử dụng xe tập đi, các bánh xe của xe tập đi xe đẩy trẻ đi với tốc độ nhanh hơn mức trẻ có thể kiểm soát được. Như khi ta đi xe máy với tốc độ cao, thoạt đầu sẽ rất vui sướng, nhưng khi tốc độ không thể kiểm soát được ta sẽ sợ hãi. Ta sẽ thường thấy trẻ sẽ bước đi rất nhanh và bàn chân chới với khi đẩy xe hoặc ngồi trong xe tập đi. Đó không phải là tập đi, mà là xe đang kéo trẻ buộc phải đi theo quán tính của nó. Xe không đang dạy trẻ biết đi và bước đi vững chắc hơn như ta mong đợi. Điều đó thật NGUY HIỂM. Xe tập đi không hề AN TOÀN để trẻ sử dụng.

>>> BẠN NÊN LÀM GÌ NẾU KHÔNG SỬ DỤNG XE TẬP ĐI CHO CON

1. Bỏ hoàn toàn xe tập đi ra khỏi không gian con có thể nhìn thấy vì nhiều bé rất thích các màu sắc và đồ chơi trên xe. Cần đảm bảo bất kể nơi nào, bất kể thời điểm nào con của bạn cũng được trông giữ cẩn thận bởi bố mẹ hoặc người giữ trẻ: Trong nhà, ngoài sân, khu vui chơi, trường mẫu giáo...

2. Thay xe tập đi có bánh xe bằng một loại xe khác KHÔNG CÓ BÁNH, giúp hỗ trợ con đứng vững bằng chân và chân có thể chuyển động thoải mái (như hình 4). Đơn giản nhất là THÁO BÁNH XE từ xe tập đi của con ra.

3. Bạn có thể làm các hàng rào cho khu vực chơi của con như hình dưới để đảm bảo con có thể đứng, ngồi, bò, vịn đi ở bên trong một cách thuận tiện và an toàn.

4. Nếu tạm thời không thể trông giữ trẻ trong 1 thời gian ngắn (đi wc, lật cá, nấu cơm, nghe điện thoại...) bạn có thể cho chúng vào các ghế ăn dặm cao để chúng chơi 1 vài đồ chơi trên bàn ăn tạm thời. Trẻ đã biết đi không thể được ở MỘT MÌNH.

>>> VỀ TIÊU CHUẨN AN TOÀN

Các tiêu chuẩn an toàn của xe tập đi cho trẻ đã được đưa ra từ năm 1997. Ngày nay, các xe tập đi đã được thiết kế to hơn để trẻ không thể đi qua cửa chính được nữa, hoặc có phanh để giảm tốc độ, dừng lại trước các bậc cầu thang... Tuy nhiên, những cải tiến này của xe tập đi không thể ngăn ngừa hoàn toàn các tai nạn xảy ra đối với trẻ khi sử dụng chúng, bởi xe vẫn CÓ BÁNH XE nên trẻ vẫn có thể đi nhanh hơn, xa hơn, và chạm vào các đồ vật ở trên cao được.


Hiệp hội Nhi Khoa Hoa Kỳ đã kêu gọi cần cấm sản xuất và bán tất cả các loại xe tập đi có bánh xe.

Chuyện xem tv, điện thoại, máy tính bảng

23:23 Thêm bình luận
Không thể phủ nhận mức độ phủ sóng của điện thoại thông minh, TV, máy tính bảng ở khắp mọi gia đình. Cấm thì không được, nên phải có luật lệ thôi.

1. Khoảng cách chuẩn

Trước khi chuẩn bị cho trẻ xem TV, cần kiểm tra chỗ ngồi của trẻ có phù hợp về khoảng cách và ánh sáng hay không. Đơn vị quy đổi khoảng cách được tính như sau:
Khoảng cách = 4 x [số INCH]
Trong đó Khoảng cách là độ dài từ TV đến vị trí ngồi của trẻ.
Số Inch là độ dài đường chéo của TV (1inch=2.54cm)
Ví dụ: TV nhà bạn 40inch => Khoảng cách = 160inch= 406 cm ~ 4 mét.

2. Ánh sáng chuẩn

Một phòng đủ ánh sáng (tự nhiên hoặc đèn) là thích hợp với trẻ. Không nên tắt hết đèn đi để trẻ chỉ tập trung xem TV. Nhiều bố mẹ có thói quen xem TV cùng con trước khi đi ngủ, điều này rất có hại đối với mắt bao gồm cả người lớn và trẻ em.
Nơi để xem TV cũng không nên là phòng ngủ hoặc phòng chơi của trẻ, vì trẻ sẽ hiểu là nếu nói là "con buồn ngủ" thì sẽ được đưa vào đó để xem TV một lúc rồi buồn ngủ thì ngủ luôn, trẻ sẽ khó mà ngủ được dễ dàng khi mải xem phim hoạt hình. Cũng không nên là phòng chơi, vì trẻ thường thích xem phim hoạt hình hơn các trò chơi vận động hay trí tuệ khác.

3. Thời gian chuẩn

- Trẻ dưới 2 tuổi: 0 phút/ngày (cách ly TV, ipad, điện thoại...)
- Trẻ 2-3 tuổi : 15-20 phút/ngày (xem phim hoạt hình, video ca nhạc thiếu nhi có hình ảnh chậm, đơn sắc hoặc video nhạc không lời)
- Trẻ >3 tuổi: 30-50 phút/ngày (Xem phim hoạt hình theo tập, video ca nhạc, video hướng dẫn tập thể dục, chơi trò chơi vận động, dạy làm đồ chơi handmade đơn giản... Sau 1-3 tập thì nghỉ 3-5 phút, rồi lại xem, tổng thời gian từ khi bắt đầu xem đến khi kết thúc là 60 phút tính cả thời gian nghỉ)

4. Tầm nhìn chuẩn

TV nên được đặt ngang tầm mắt với trẻ, ngồi thẳng lưng trên ghế phù hợp với lưng trẻ, để trẻ không cần phải ngước lên quá cao mới có thể xem được. Máy tính bảng hoặc điện thoại cần được đặt trên bàn, có dụng cụ đỡ thẳng phù hợp với chiều cao của trẻ. Không để máy tính, điện thoại dưới sàn nhà để trẻ gù lưng, cúi đầu xem.

5. Quản lý nội dung

Tốt nhất trước khi để con xem một bộ phim nào đó, bố mẹ hãy xem thật kĩ để kiểm duyệt. Nếu phim có tính bạo lực, ngôn ngữ thuyết minh không lành mạnh, không có tính giáo dục thì không nên cho trẻ xem. Nếu có thể, hãy lưu lại những phim mình đã xem trước vào điện thoại, máy tính... để khi cần xem, trẻ chỉ có thể mở phim từ nguồn đã kiểm duyệt đó thôi. Sẽ thật tốt nếu bố mẹ xem phim cùng con, và sau khi xem phim có thể rút ra bài học hoặc kể lại nội dung mà mình vừa xem. Điều đó sẽ giúp phát triển trí nhớ và tư duy của bé rất nhiều đấy.

6. Tốt nhất là đừng xem nữa

Quảng cái TV đi mà vui sống là điều mà tôi muốn nói với tất cả những bậc bố mẹ nếu không đáp ứng đủ được 5 yêu cầu kể trên. Trẻ có nhiều hoạt động khác bổ ích hơn, kinh tế hơn, ít luật lệ và quy định hơn là ngồi xem phim hoạt hìn. Ví dụ như chơi trò chơi vận động, các trò chơi kích thích thính giác, thị giác, xúc giác... Khi trẻ đã có quá nhiều hứng thú với TV, thì các loại trò chơi khác đều sẽ bị giảm sức hút rất nhiều, bạn sẽ khó lòng mà cản con khi con xin được xem TV thêm chút nữa thay vì chơi các trò chơi mà bạn dày công tổ chức, thiết kế, sáng tạo ra. Vì vậy, hãy "siết chặt" thời gian xem TV của con xuống càng ít càng tốt. Vì trẻ không thể lớn lên cùng TV, nhưng sẽ cần nhiều hơn các kĩ năng từ cuộc sống.

(Sưu tầm, lược dịch và biên tập từ nhiều nguồn)

Xi tè hay đóng bỉm, ai lợi hơn ai?

23:22 Thêm bình luận
Phần lớn cha mẹ đều cảm thấy chúa ghét việc giường chiếu nhớp nháp, hôi rình vì con tè dầm. Họ phải trải những tấm thảm bằng nilon “chống thấm” xuống dưới phần giường mà con nằm ngủ để nước tiểu của con tè dầm nửa đêm không thấm vào đệm, để đỡ phải giặt nhiều. Mà họ không biết chính điều đó làm lưng con có nhiều rôm sẩy, người con nóng bừng, và mỗi đêm con tỉnh giấc nhiều lần vì lưng ướt đẫm mồ hôi trong khi ngủ điều hoà thì “không thể nóng”.



Rất nhiều trong số họ cũng đã từng đánh con vì con luôn tè dầm trước rồi mới bảo mẹ. Lũ trẻ hẳn đã hoảng sợ cực độ trong trường hợp đó vì bối rối không biết phải làm sao với chính mình, và với mẹ của mình. Các ông bố bà mẹ, họ đã không biết được rằng “chính chúng cũng đã rất cố gắng muốn thông báo với bố mẹ, nhưng bất khả kháng, cơ thể chúng chưa đủ tinh khôn để làm việc đó”. Đó là lý do vì sao khi chúng tè rồi mới la lên. Nếu hiểu một cách tích cực, có phải con bạn đã lên 1 level mới khi tè rồi và biết gọi mẹ dọn, thay vì tè xong và im lặng bỏ đi luôn không? Sao bạn không khen con để con cố gắng hơn một chút nhỉ. Điều đó sẽ làm khích lệ sự tự tin của con, đừng tiết kiệm lời khen quá mức.

Nhiều người quan niệm “Trẻ biết tè khi nghe tiếng “xi” là trẻ thông minh, có giáo dục”. Nên nóng lòng tập xi tè cho con để con không tè dầm, để khoe với các mẹ khác lấy một chút “tự hào”.

Hãy thôi tư duy như thế nữa đi ! Trẻ con chưa THÔNG MINH được đến mức ấy đâu. Và thực sự chúng rất hoảng sợ bị đánh đòn khi tè dầm nên dần hình thành phản xạ tè ngay khi nghe tiếng xi thôi.

Vậy, nếu không xi tè, cũng không muốn nhà cửa bị “ô nhiễm” vì mùi nước tiểu của con thì phải làm sao? Thì đóng bỉm chứ sao. Nhưng bất cứ khi nào có thể, hãy bỏ bỉm ra để con được thoải mái. Còn bất khả kháng thì phải mặc lại. Cho đến khi nào con thực sự đủ trưởng thành để bỏ bỉm (có những bé là 2-3 tuổi, thậm chí có bé 4 tuổi mới bỏ được bỉm, hoàn toàn không sao cả).

Các trường hợp con nóng, bí, khó chịu, liệu có thực sự tại bỉm làm con nóng không hay vì con đã tè đầy tràn rồi, và cảm giác ướt át làm con khó chịu muốn mẹ tháo nó ra mà mẹ vẫn chưa tháo nên con tức giận? Hãy thử so sánh với việc các mẹ đến ngày "bà dì"của phụ nữ, chỉ vài ngày cũng đã làm chúng ta muốn bực bội phát điên lên, huống gì là trẻ con.

Hãy bỏ bỉm cho con khi con biết nói với mẹ "(con) đi tè", hoặc dặn con "khi con cần đi tè, gọi mẹ nhé" và con ''hiểu được" điều mẹ nói. Chứ đừng "xi tè" cho con. Vì nó sẽ làm con hiểu nhầm phản xạ là "chỉ khi xi mới đc tè”, vô tình làm con nhịn tè thành quen. Bàng quang của con không đủ lớn để có thể nhịn tè, và mẹ có thể vô tình vì bận nghe điện thoại, làm báo cáo, ninh xương, rán cá mà quên mất đã bỏ qua một cữ xi tè cho con. Nhịn tè sẽ ảnh hưởng đến quá trình lọc nước tiểu ở thận và bàng quang của con, ảnh hưởng đến cơ chế đóng mở của các cơ đóng xả ở niệu quản mẹ biết không? Và con cũng cần tự dạy bản thân mình biết khi nào mình buồn tè, khi nào mình “thích”, “muốn” đi tè mẹ ạ.

KẾT LUẬN: Mẹ không thể “xi tè” con cả đời, nên để con tự dạy bản thân mẹ nhé.

Chuyện chơi và chọn đồ chơi an toàn cho con

23:21 Thêm bình luận
Hôm trước đi hội thảo Montessori, tôi được nghe cô Hà Phương của trường Fly Fingers School chia sẻ về vấn đề này, nên hôm nay mạn phép kể lại những gì cô chia sẻ, cộng với những gì mình đã học hỏi được cho mọi người cùng nghe.

Có một sự thật không thể chối cãi là từ lúc biết đi, trẻ con bắt đầu lọ mọ sờ mó tất cả mọi thứ trong nhà và bố mẹ nào cũng lo lắng về điều đó. Làm thế nào để không gian trong gia đình trở thành nơi an toàn cho con chơi, những tips sau có thể giúp các bố mẹ cảm thấy thoải mái và yên tâm hơn để biến nhà trở thành nơi an toàn cả về thể chất lẫn tinh thần của con.

1. Không cho con vào cũi


Nhiều bố mẹ lầm tưởng rằng cho con vào cũi sẽ an toàn vì con chẳng đi đâu cả, không ngã, không đau, không chơi những thứ không an toàn như lửa, nước nóng, cốc thuỷ tinh... nhưng vô tình bố mẹ đã tước mất của con quyền được khám phá ở đúng độ tuổi mà con ham mê khám phá mọi thứ nhất. Cũng như khi bố mẹ vừa nảy ra một ý tưởng nào đó vào lúc 12h đêm, mà buộc phải đi ngủ thay vì ngay lập tức thực hiện nó vậy. Điều đó làm trẻ rất bực bội. Ảnh hưởng không tốt tới tâm lý còn non nớt của con. Thay vào đó, hãy tạo một không gian an toàn cho con, để con có thể chơi thoải mái.

2. Cách kiểm tra các đồ vật an toàn

Hãy cắt một chai nước uống lavie như hình dưới, giữ lấy phần bên trên, tháo nắp ra, và rượt khắp nhà để kiểm tra. Những thứ vừa lọt qua cổ chai và có chiều cao thấp hơn khoảng cách từ miệng chai đến chỗ cắt đều phải LOẠI BỎ khỏi không gian chơi của con (VD: Hòn bi, viên sỏi, hạt lạc, nhẫn...).
Những thứ có chiều cao thấp hơn khoảng cách từ miệng chai đến chỗ cắt, nhưng không lọt vừa cổ chai (quả chanh, quả bóng bàn...) hoặc lọt vừa cổ chai nhưng chiều cao lớn hơn khoảng cách từ miệng chai đến chỗ cắt (cây nhíp, bút màu, bút chì, đũa...) đều có thể tạm chấp nhận làm đồ chơi cho con khám phá, nhưng cần có sự trông nom của bố mẹ, để tránh con mang đồ chơi đi và vô tình bỏ vào miệng/mũi gây nguy hiểm.

3. Không gian chơi an toàn


Mọi nơi trong gia đình đều có thể trở thành thiên đường trò chơi của trẻ. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp con đang mở ra mở vào cánh cửa tủ quần áo của mẹ, chui vào gầm bàn rồi lại chui ra, ném trái cây từ trong đĩa ra ngoài sàn nhà rồi lại nhặt vào... Tất cả đồ dùng trong nhà không vi phạm các điều kiện ở phần 2, hoặc những vật không có giá trị lớn quá (mà bố mẹ tiếc không dám cho con chơi hihi) thì đều có thể trở thành vật để trẻ khám phá. Mọi thứ đối với chúng đều là đồ chơi chứ không riêng gì những thứ bố mẹ gọi là ĐỒ CHƠI. Vì với trẻ mọi thứ đều hấp dẫn như nhau cả.

Nếu bố mẹ sợ cốc thuỷ tinh bị vỡ, hãy để chúng thật cao lên. Nếu mẹ sợ con nghịch túi xách làm vỡ mất hộp phấn mắt đắt tiền, mẹ cũng hãy cất túi xách đi. Trẻ con học hỏi rất nhanh, chỉ cần 1 lần chúng chạy nhanh trên sàn nhà bị ướt và ngã, lần sau chúng sẽ đi rất chậm hoặc đứng một chỗ la lên nếu phát hiện ra có nước trên sàn nhà (do chúng tè dầm chẳng hạn).

4. Tôn trọng con và các trải nghiệm của con

Nếu bạn không để con biết khi thả cái cốc thuỷ tinh từ trên bàn xuống đất nó sẽ vỡ, con sẽ không bao giờ biết những thứ đó có thể vỡ được.

Nếu con bạn không được sờ vào nước nóng (nóng vừa thôi nha) chúng sẽ không biết trên đời này cũng có loại nước vừa sờ vào là đã phải rụt tay lại.

Nếu con bạn không từng bị ngã đau vì trèo từ trên ghế xuống bằng cách đưa đầu ra trước, chúng sẽ không bao giờ biết sẽ phải đưa chân xuống đầu tiên.
.....
Còn vô vàn các kinh nghiệm, kỹ năng khác trong cuộc sống con đều cần học để tồn tại, nó là thứ bố mẹ không thể dùng lời nói để dạy cho con. Mà cần được học trong KHÔNG GIAN AN TOÀN nhất được bố mẹ tạo ra để dạy cho con hiểu.


Đừng vì chúng dễ làm con bị đau, bị nóng, bị ướt, bị bẩn... mà ngăn cản con KHÔNG ĐƯỢC LÀM mọi thứ. Vì như vậy, đã vô tình để lỡ mất thời điểm vàng khám phá của con. Sau này, con sẽ không bao giờ có lại những ham mê khám phá như giai đoạn TODDLERS này nữa đâu, bố mẹ ạ.

When is the Best Time to Start My Baby on Foods Other Than Breastmilk?

23:20 Thêm bình luận

When is the Best Time to Start My Baby on Foods Other Than Breastmilk? THỜI điểm nào là thích hợp nhất để bắt đầu cho bé ăn dặm


Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO và Học viện nhi khoa Mỹ AAP, trẻ sơ sinh cần được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời trước khi giới thiệu cho bé các thực phẩm bổ sung (aka Ăn dặm). Đến tháng thứ 6, nột vài bé thì có biểu hiện muốn ăn sớm hơn hoặc muộn hơn các bé đồng trang lứa một chút trong khoảng thời gian này.

AAP đã đưa ra khuyến cáo về nuôi con sữa mẹ mẹ rằng:

“Trẻ có thể có các hành vi trông giống như đang thèm và muốn được ăn dặm bổ sung khi chúng mới chỉ 4 tháng tuổi. Trong khi có trẻ chỉ sẵn sàng cho đến khi chúng được 8 tháng. Giới thiệu hoặc cho trẻ ăn dặm trước 6 tháng không làm tăng tổng lượng calo hoặc tỉ lệ tăng trưởng, mà còn làm mất đi kháng thể từ sữa mẹ”.

Không có quy định nào ghi rõ ràng về việc thời điểm nào là thích hợp nhất để trẻ ăn các thức ăn cứng. Chỉ có các biểu hiện sẵn sàng của trẻ mới là dấu hiệu rõ ràng nhất cho điều đó.
Đương nhiên, thời điểm bắt đầu của mỗi bé là khác nhau. Làm sao chúng ta mong đợi được rằng tất cả các bé biết bò, biết đi vào cùng một ngày được, nên chúng cũng không thể bắt đầu ăn dặm cùng thời điểm với nhau được. Chỉ có bạn mới là chuyên gia của chính con bạn mà thôi.

A. Tuy nhiên, một vài biểu hiện dưới đây có thể giúp bạn xác định em bé của bạn đã sẵn sàng các vật cứng:

Bé có khả năng:

1. Ngồi vững trên sàn trong 10 phút mà không cần sự hỗ trợ.

2. Dùng ngón trỏ và ngón cái để cầm các đồ chơi lên, đưa chúng vào miệng dễ dàng.

3. Nuốt được thức ăn mềm như chuối chín mà không đẩy nó ra khỏi miệng bằng lưỡi.

Ở thời điểm này, trẻ cũng có vẻ nhanh đói hơn trước. Nếu bạn đã cố gắng cho bé bú mẹ mà bé vẫn cảm thấy đói, có thể bé đã sẵn sàng để bổ sung thêm các món khác vào thực đơn hằng ngày của mình. Đôi khi thì bé cũng bú nhiều hơn, vì bé đang mọc răng, chúng sẽ cảm thấy mệt mỏi không khoẻ mạnh như bình thường, hoặc bỗng nhiên lớn nhanh hơn, đấy không phải là dấu hiệu cho thấy trẻ cần được ăn dặm, hãy loại chúng ra khỏi đầu ngay.

B. Nhiều bà mẹ băn khoăn là liệu con của họ có sẵn sàng ăn các thức ăn cứng từ khi 4 tháng tuổi hay không, vì chúng tỏ ra rất muốn ăn rồi.

Đến tháng thứ tư, các bé bắt đầu tỏ ra quan tâm và thích khám phá thế giới xung quanh mình. Bé bắt đầu muốn cầm nắm tất cả mọi thứ đưa về phía mình, thậm chí là tóm lấy bầu vú mẹ mà kéo về phía chúng nữa. Chúng có thể bú mẹ rất qua loa cho có, và thật nhanh chóng để cho nhanh no còn được chơi những thứ khác thú vị hơn.

Đây đều là các hoạt động rất bình thường của các bé ở tháng thứ 4, bạn có thể dễ dàng giải quyết những hành động này của bé bằng cách cho bé bú ở trong một phòng đủ yên tĩnh và tối vài lần trong ngày để tránh các tác nhân khác làm bé chú ý hơn việc bú mẹ. Một số mẹ hay đeo vòng cổ, hoặc có thể chế ra một sợ dây có buộc vài đồ vật nhỏ để cho bé vừa cầm vừa bú, chúng có thể giúp bé tập trung hơn khi đang bú mẹ.

Bạn có thấy bé quan sát bạn rất kỹ các hoạt động của bạn khi bạn đang ăn cơm không? Bé có bắt chiếc bạn tóp tép miệng không? Những biểu hiện này cho thấy bé đang HỌC VÀ THỰC HÀNH, cho thấy chúng sẽ sớm sẵn sàng để ngồi cùng bàn ăn với bạn.

C. Hãy làm theo các dấu hiệu của bé và bản năng làm mẹ của riêng bạn.

Đừng quá vội vàng việc cho con ăn dặm . Vì có thể sẽ chẳng có điều kì diệu gì xảy ra vào ngày con tròn 6 tháng tuổi như việc bỗng dưng mẹ không thể có sữa cho con tiếp tục bú sau khi bé tròn 6 tháng nữa, và phải ăn thêm thức ăn bên ngoài. Có một số bé còn chẳng đoái hoài gì đến thức ăn dặm cho đến tận lúc chúng tròn 1 tuổi.

Miễn là con vẫn vui vẻ, khoẻ mạnh, tăng cân từ từ, đạt được các mốc phát triển (vận động, tư duy, ngôn ngữ…), là con đã làm rất tốt rồi.

Một số ông bố bà mẹ nói rằng, họ cần phải cho con ăn dặm ở một độ tuổi nhất định để con không bị thiếu sắt, thiếu máu. Nếu bạn nghi ngờ con bạn đang thiếu sắt, thiếu máu, bạn có thể đến cơ sở y tế để bác sĩ làm một vài xét nghiệm máu đơn giản kiểm tra. Chúng chỉ tốn của bạn vài phút thôi, không mất nhiều thời gian. Hầu như chẳng có bé nào bú mẹ hoàn toàn mà thiếu sắt hoặc chỉ số Hemoglobin thấp hơn bình thường trước 6-9 tháng cả. Theo một nghiên cứu của Piscane vào 03/1995, trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 7 tháng đầu (không uống bổ sung sắt hoặc ăn thực phẩm bổ sung sắt) đến khi tròn 1 tuổi thì có chỉ số Hemoglobin cao hơn đáng kể so với các bé đã ăn bột đặc trước 7 tháng. Trong khi các bé đã ăn dặm bổ sung trước 7 tháng được kiểm tra thì kết quả nhận được vẫn là THIẾU MÁU. Nghiên cứu này cho thấy, ăn dặm quá sớm có thể làm cho bé trở nên thiếu máu, khác hẳn so với nhiều bố mẹ vẫn tưởng.

Hãy để cho con được tiếp tục tận hưởng sữa mẹ hoàn toàn nhé !

Sơ cứu trẻ bị ngạt thở do hóc

23:18 Thêm bình luận

1. Kiểm tra các phản xạ của trẻ:


Nếu trẻ không có các biểu hiện như KHÓC, HO, THỞ (dùng 2 ngón tay đặt trước mũi/miệng của trẻ hoặc ghé tai sát mũi/miệng của trẻ để kiểm tra) ... Cần ngay lập tức thực hiện sơ cứu để lấy dị vật ra khỏi ống thở.

2. Các cách sơ cứu

Bước 1: Đặt trẻ nằm sấp trên cẳng tay của bạn, sao cho lòng bàn tay bạn đỡ phần cổ của trẻ. Phần đầu của trẻ dốc xuống thấp hơn thân người (như hình). Dùng tay xuôi xuống phần giữa sống lưng gần cổ 5 lần. Nếu trẻ vẫn chưa nôn được dị vật ra ngoài, cần thực hiện tiếp bước 2.

Bước 2: Đặt trẻ nằm ngửa trên cẳng tay của bạn, sao cho lòng bàn tay đỡ phần gáy của trẻ. Dùng ngón trỏ và ngón giữa ấn vào ngực trẻ, ấn xuống khoảng 2cm, rồi thả ra. Lặp lại 5 lần.

3. Ghi nhớ

Cần thường xuyên kiểm tra miệng trẻ mỗi lần vỗ/ấn xuống.

Dị vật đã trôi ra ngoài và đang ở trong miệng trẻ rồi thì dừng sơ cứu lại ngay. Giữ nguyên tư thế, 
dùng tay móc toàn bộ dị vật, đờm dãi từ trong miệng trẻ ra ngoài.

Pasta with Butternut Squash Sauce mỳ ý và sốt bí đỏ

23:17 Thêm bình luận

Pasta with Butternut Squash Sauce mỳ ý và sốt bí đỏ

LOA LOAAAAA Bắt đầu từ hôm nay, bộ công thức của chúng ta sẽ chuyển sang một dạng mới đó là MÓN MẶN thay vì bánh nhé
Công thức hôm nay là Pasta ạ


NGUYÊN LIỆU

- 100g mì Ý (pasta) loại bé thích
- 100g bí đỏ hầm nhừ
- 1 nhúm bột nhục đậu khấu (không bắt buộc)
- Nước ép táo
- 1 nhúm bột lá cây xô thơm (hoặc một loại lá thơm khác dễ tìm hơn như húng, kinh giới, xạ hương, hương thảo…)

CÁCH LÀM

1. Luộc mì Ý theo hướng dẫn ở bao bì. Nên cho thêm 1 chút dầu ăn vào trong nước luộc để vớt mì không bị dính nhau.

2. Trong thời gian chờ mì chín, trộn bí đỏ với bột nhục đậu khấu và bột cây xô thơm, sao đó trộn thêm nước ép táo vào sao cho đạt được hỗn hợp sốt sền sệt.

3. Trộn mì cùng sốt bí đỏ sao cho hoà quyện.


4. Chén nó !

French Toast with Vanilla and Applesauce

23:15 Thêm bình luận

NGUYÊN LIỆU

- 2 lát bánh mì gối hoặc bánh mì thường cắt lát
- 2-3 thìa soup sữa chua
- 2 thìa soup sữa mẹ
- 1 quả trứng gà
- 1 thìa cafe tinh chất vani
- 1 nhúm bột quế
- Một chút bơ nhạt

CÁCH LÀM

1. Trộn tất cả các nguyên liệu (trừ bánh mì hehe) trong một tô lớn cho đến khi hoà quyện.

2. Nhúng ngập bánh mì vào hỗn hợp hoặc phết lên 2 mặt bánh.

3. Làm nóng chảo và thoa 1 lớp bơ nhạt mỏng. Giữ lửa ở mức trung bình, rán bánh vàng 2 mặt hoặc để vào khay nướng bánh mì ở lửa nhỏ cho mặt bánh vàng thì lấy ra.


4. Để nguội và bày ra đĩa. Bánh ăn kèm với sốt táo.