Trong cuốn "Facebook Tự Kỷ" của Danang Ho (tr.431)
có nhắc đến chủ đề: làm thế nào dạy con đối mặt với bạn xấu đối với các bé tự kỷ.
Mình nghĩ đây là chủ đề được nhiều bố mẹ quan tâm nhất, bất kể là bé nào từ độ
tuổi mẫu giáo đến tiểu học, cho đến THCS.
Ở đâu cũng vậy, trong lớp, trong trường của trẻ hoàn toàn có
thể có những trẻ ngỗ ngược, thích trêu chọc, thích ức hiếp, bắt nạt, thích miệt
thị dè bỉu một hoặc nhiều trẻ hiền lành, ít nói, nhút nhát trong lớp, thường
xuyên nhất phải kể đến các trẻ khuyết tật. Không chỉ bị hành hung, đán đập, miệt
thị, trẻ bị bạn xấu ức hiếp còn có thể bị xúi giục, thách thức làm những hành
vi trái với thuần phong mỹ tục, đạo đức như giật tóc, vỗ mông bạn nữ khác trong
lớp hoặc là tay sai thực hiện các hành vi ức hiếp, đánh đập các bạn khác bất kể
khi nào được yêu cầu. Những hành vi này trẻ có thể hoặc không nhận biết được hết
hậu quả của nó, nhưng vì sợ hãi mà các em không dám nói với cha mẹ, dẫn đến lo
âu, trầm cảm, sợ hãi, tự dằn vặt...
Động cơ của các bạn xấu là muốn áp đặt quyền uy của mình lên
những người yếu đuối, các trẻ ít có bạn bè, thường hay chơi một mình thường là
đối tượng của chúng. Các hành vi này thường xảy ra ở những nơi ít có người lui
tới đặc biệt là giáo viên, ví dụ như sân trường, cuối hành lang, phòng vệ sinh,
phòng tập thể dục, trên đường về nhà...
Dưới đây là những hướng dẫn lược trích từ bài viết trong
sách "Facebook Tự Kỷ", hi vọng có thể giúp mọi người có thêm kỹ năng
xử lý khi con bị "bạn xấu" bắt nạt.
1. Cha mẹ nên
- Kiếm cớ xin phép giáo viên được gặp con vào buổi trưa để
có thể ngầm theo dõi hành động của các bạn với con trong giờ ăn cơm trưa hoặc
giờ ra chơi ở trường (nếu có thể), hoặc nhờ giáo viên, cán bộ trong trường theo
dõi giúp con em mình.
- Cha mẹ có thể lập 1 bảng gửi cho giáo viên các môn nhờ họ
thực hiện đánh giá, nhận định, góp ý về cách đối xử của con em mình với bạn bè
trong lớp
- Cha mẹ nên hướng dẫn con nhận biết ai là bạn đáng tin, ai
là bạn xấu, và biết mạnh dạn lên tiếng khi bị bạn xấu bắt nạt.
- Sáng tạo ra các vở kịch mà diễn viên là các thành viên
trong gia đình có nội dung định hướng cách cư xử khi con gặp bạn xấu: Phản
kháng, né tránh, kêu cứu...
- Cha mẹ lo lắng về sự an toàn của con thì nên mạnh dạn đề đạt
yêu cầu với giáo viên hay ban giám hiệu để được giúp đỡ.
10 điều dạy con đối mặt với bạn xấu
1. Biết lên tiếng - Khi con bị bạt xấu trêu chọc và ức hiếp
con nên, cần, và phải nói với cha mẹ, vì cha mẹ là người sẽ luôn luôn bênh vực
và bảo vệ con.
2. Biết né tránh - Nếu con bị các bạn trêu ghẹo vào giờ nghỉ,
con nên tránh chỗ có các bạn xấu hay lui tới, tìm cách đến gần người lớn, hoặc
chỗ có đông các bạn khác.
3. Biết phản đối - Nếu con tiếp tục bị làm phiền, dạy con
hét thật to lên: "Tránh ra !" rồi quay người bước thật nhanh ra chỗ
khác.
4. Tìm nhân chứng - Trước khi con chạy đi, hãy dặn con quan
sát xem xung quanh có bạn nào thân thiết với con hoặc đáng tin không để sau này
nhờ bạn làm nhân chứng.
5. Không trả đũa - Trêu ghẹo, miệt thị, chì chiết người khác
là hành động xấu. Khi bạn làm như thế với con, cha mẹ cần dạy con con không nên
dùng lời lẽ xấu trả đũa lại bạn. Hãy nói với bạn: "Tránh ra, đừng động vào
tôi".
6. Nghĩ kỹ trước khi làm - Nếu ai đó muốn con làm một điều
gì mà con cảm thấy kỳ lạ, hãy dạy con suy nghĩ, không nên làm theo ngay lập tức.
Con có thể tham vấn với cô giáo hoặc một người bạn mà con tin tưởng.
7. Giữ khoảng cách - Bạn xấu không phải là đối tượng cần phải
"làm thân", con cần giữ khoảng cách với các đối tượng này. Không nên
tìm cách làm vừa lòng họ.
8. Tìm bạn tốt - Trong lớp chắc hẳn sẽ có những bạn không học
quá xuất sắc, không chơi thể thao giỏi, cũng không quá nổi bật về ngoại hình
nhưng hiền lành và muốn kết thân. Hãy tạo điều kiện cho con chơi thân với các bạn
này để cùng giúp đỡ nhau (mời bạn của con đến nhà ăn tối, mời bạn đi chơi cuối
tuần cùng gia đình, tặng món quà nhỏ cho bạn..)
9. Stop here - Nếu người một mực yêu cầu con làm một việc gì
đó (không phải là giáo viên, cha mẹ, họ hàng, bạn tốt ở số 8) thì con buộc phải
dừng việc đó ngay lập tức không được làm tiếp (kể cả con đã bắt đầu làm rồi)
10. Biết bắt chước - Trong trường, trong lớp sẽ có nhiều bạn
được tuyên dương là tấm gương người tốt việc tốt, bạn nhỏ ngoan có hành động đẹp...
cha mẹ nên hướng dẫn con quan sát việc làm của các bạn đó và kể lại với cha mẹ,
thông qua đó cha mẹ có thể định hướng những việc con nên làm, sinh hoạt, học tập
nếu nó thực sự đúng đắn và nên bắt chước theo bạn.
----
Không thể dạy trẻ dùng bạo lực để đàn áp bạo lực, vì bạo lực
chỉ được nuôi dưỡng trong môi trường bạo lực, nó lớn nhanh như quá trình phân bào,
và bất diệt như cỏ dại.
Mầm mống bạo lực được hình thành từ nhỏ sẽ không bao giờ
phai nhạt trong tiềm thức của đứa trẻ. Vì thế bất kể khi nào rơi vào tình huống
cần suy nghĩ, trẻ sẽ ngay lập tức nghĩ đến bạo lực như một phương thức hữu hiệu
cứu nguy cho mình. Điều đó nguy hiểm biết bao nhiêu.,
Vì thế để con không trở thành nạn nhân, cần dạy con PHẢI BIẾT
ĐỐI ĐẦU.
EmoticonEmoticon