Đấy là một chủ đề trong 7 chủ đề được tranh luận về cách xử
lý hành vi của trẻ ở trường mầm non mà buổi chiều hôm nay mình được học. Đáng lẽ
ra thì nó chẳng có gì đối với GV mầm non, nhưng mà nó lại là một chuyện để
nghĩ.
Vì các bạn ấy nghĩ rằng, khi ra trường mầm non gặp trẻ các bạn
ấy không bình tĩnh nổi để nghĩ ra cách giải quyết thấu đáo hơn, tình cảm hơn,
bình tĩnh hơn, nhẹ nhàng hơn. Đổi cái thìa khác là xong, thoả thuận lại là
xong, bắt đứa kia dùng cái thìa khác và nhường cho bạn là xong. KHÔNG. NHƯ THẾ
CHƯA XONG ĐÂU.
Các giáo viên khác sẽ không để cho các bạn ấy thời gian để
CÓ CƠ HỘI được giải quyết bằng hoà bình, không phải bằng quát nạt.
Chính các giáo viên tương lai như các bạn ấy cũng không biết
giải quyết trong hoà bình là như thế nào. Hoà bình không phải là nịnh nọt, dỗ
dành kiểu “thả thính”, trao đổi, lựa lời mà nói cho lòi tiền ra… à cho vừa lòng
nhau. Nó càng chẳng phải là kiểu cô lải nhải nhiều quá rồi trẻ cũng phải chào
thua, chặc lưỡi đồng ý.
Vậy giải quyết bằng hoà bình là như thế nào?
Thứ nhất: Khi cô có 2 trẻ đang cãi nhau, cô phải tách hai trẻ
ra để xử lý từng người một. Cô cảm thấy người nào là nguyên nhân của sự việc
thì nói chuyện với người đó trước. Trường hợp này cả 2 bé tranh thìa của nhau,
ai là người cầm vào cái thìa trước thì để cho ở lại bàn, ai tranh lấy thìa thì
cô giáo đưa bé ra ngoài nói chuyện, cô nói với bạn ở lại bàn rằng cô sẽ nói
chuyện với bạn A trước, nói chuyện với con sau, con có thể ngồi đây chờ cô được
không? Nếu con muốn ăn, con có thể dùng tạm một cái thìa khác trong khi cô và bạn
nói chuyện, một lát nữa mình sẽ nói chuyện về cái thìa này sau nhé.
Việc nói chuyện này phải trên cơ sở tôn trọng trẻ, không phủ
đầu trẻ nào là đứa trẻ hư, trẻ bị đưa ra ngoài để nói chuyện không bị mang tâm
thế là người THUA CUỘC, người SAI, người duy nhất SẼ BỊ PHẠT. Việc giáo dục trẻ
phải dựa trên nguyên tắc KHÔNG THƯỞNG, KHÔNG PHẠT.
Thứ hai: TƯƠNG TÁC
Cô trò chuyện với trẻ nhẹ nhàng như người bạn của trẻ, không
dùng quyền uy của người lớn để nói chuyện với trẻ.
Tương tác với trẻ bằng những câu hỏi như: “Vì sao hai bạn lại
cùng muốn lấy cái thìa?”, “Cái thìa này có gì đẹp hơn những cái thìa khác mà
con lại thích nó đến thế, con nói cho cô nghe được không?”, “Lúc nãy con với bạn
đang tranh nhau cái thìa, nên cô vẫn chưa biết lúc đấy ai là người cầm nó trước.
Lúc đấy sự việc xảy ra thế nào, con kể cho cô biết đi”… Những câu hỏi như thế
chẳng có gì khó cả. Nhưng cô giáo phải bình tĩnh thì mới nghĩ được ra để hỏi trẻ
được. Còn cô giáo mà không tin nổi bản thân mình có thể bình tĩnh được, thì hít
sâu thở nhẹ đi, dừng lại một nhịp trước khi nói, để trẻ cảm nhận được là cô
đang bình tĩnh, và sẽ không quát lên với mình.
Sau đó cô có thể nói rằng: Cô cũng thấy cái thìa này rất đẹp,
bạn thìa bằng inox sáng bóng, ánh lên ánh sáng màu bạc rất giống với vòng cổ của
con. Nhưng mà lúc chúng mình tranh nhau cái thìa ấy, bạn thìa bị giằng sang bên
này, rồi lại giằng sang bên kia rất là đau. Nếu mà có ai giằng tay con sang bên
này, rồi sang bên kia, hay bạn kéo tay con như này này… thì con có đau không?
Có khó chịu không? Ừ khó chịu nhỉ. Thế con thấy việc các bạn mà giằng tay mình
như thế có đúng không? Không đúng phải không. Thế nên sau này, nếu cả hai bạn
cùng thích một cái thìa, thì chúng mình thương lượng với nhau, hôm nay tớ dùng,
mai bạn dùng để không cãi nhau nhé. Đồng ý không? Lát nữa ra bàn, con nói với bạn
là mai cậu ăn thìa này, tớ ăn thìa khác, rồi hôm sau nữa mình đổi lại nhé.
Đến khi quay trở lại bàn, có thể bạn ấy đã đang ăn thìa khác
hay chưa ăn, thì cô giáo cũng cần nói lại câu chuyện lúc nãy cô trao đổi với bạn
kia cho bạn ấy nghe, để bạn ấy biết rằng khi cả hai người cùng thích một thứ
thì chẳng ai là người có lỗi cả. Mà chúng mình phải biết cách cư xử với nhau thế
nào để cả hai cùng cảm thấy vui vẻ, không tranh giành nhau. Đồ chơi cũng thế,
khi cả hai người cùng thích, chúng mình có thể tập cách chơi chung với nhau một
cách hoà thuận.
Cho nên, ở trường mầm non cách cư xử, đạo đức của người giáo
viên rất quan trọng. Nhưng hôm nay đã chẳng ai có đủ bình tĩnh để nghe hết cách
giải quyết của mình cả, nên mình viết ra đây cho các bạn biết cách xử lý hành
vi mình từng được đi học là gì. Đó là cách cô giáo REGGIO làm với trẻ của mình.
Vì yêu trẻ, tôn trọng trẻ là việc cần được đưa lên hàng đầu. Nhưng trẻ cũng cần
được học làm sao để tôn trọng người khác, để sống được trong một cộng đồng một
cách hoà bình và hạnh phúc nữa.
EmoticonEmoticon