1. Nói dối không xấu
Nói dối chỉ đơn giản là cách xử lý tình huống của con theo
cách tư duy của một đứa trẻ. Con nghĩ rằng khi con nói dối, bạn sẽ tin theo hướng
đó, vì thế con sẽ không bị phạt, không bị mắng nữa.
Bản chất là con đang bị HOẢNG SỢ, tới mức không dám nói thật.
Con hoàn toàn có thể nói thật nếu bạn cư xử khác đi. Bạn phải hiểu mấu chốt đó
của vấn đề này để giải quyết nó.
2. Nguyên nhân nói dối
Con buộc phải chọn nói dối để giải quyết khi rơi vào tình huống
đó vì:
- Con đã từng nhìn thấy bố mẹ, anh chị, người quen... nói dối
thành công.
- Con bị hăm doạ (Nếu con làm cái A, cái B sẽ bị đánh đòn, bị
chó sói ăn thịt..., con sẽ nói dối cái A, cái B đã làm thành những điều khác)
- Con không có người để chia sẻ các nhu cầu của con. Khi con
muốn làm điều gì đó nhưng không thể và cần sự giúp đỡ, con không có người sẵn
sàng lắng nghe.
==> Khi cha mẹ không thường xuyên tâm sự với con để con cởi
mở nói lên mong muốn của mình, con sẽ giữ tất cả chuyện vui buồn của con, ước
muốn của con vào trong lòng. Điều đó với trẻ con là vô cùng đau khổ. Chúng buộc
phải chọn cách cực đoan là tự mình giải quyết mọi chuyện. Do vậy, hệ quả là con
NÓI DỐI là do cách cư xử của bố mẹ chưa đúng. Bố mẹ chưa có sự tương tác, thấu
hiểu, chia sẻ với con.
3. Giải pháp
- Con sợ bị đánh, bị mắng, bị phạt, bị đe doạ nên con phải
nói dối để tránh tội hoặc đổ lỗi cho người khác. Khi đó, con chỉ cảm thấy bố mẹ
đáng sợ, bố mẹ không còn thương mình nữa. Việc trách mắng con ngay khi đó không
làm con cảm thấy hối hận, sửa sai... nó chỉ làm con tổn thương hơn khi nghĩ
mình không còn được ai yêu thương. Sự cô độc trong nội tâm của con càng làm con
lấn sâu vào suy nghĩ rằng chẳng còn ai hiểu con nữa cả. Điều đó thực sự nguy hiểm
đối với một đứa trẻ.
- Con trộm đồ của người khác nhưng không dám nhận lỗi dẫn tới
nói dối. Trong lòng con vẫn biết việc đó là không đúng, nhưng không có sự lựa
chọn nào khác. Con thực sự đáng thương trong tình huống đó, chứ không phải là
đáng trách.
Do đó, bạn cần:
- Tự cảm thấy có lỗi với con vì đã không chia sẻ, thấu hiểu
mong muốn đó của con.
- Không mắng mỏ, chì chiết, vạch trần lời nói dối của con.
Việc bạn cố gằn giọng hỏi: Có phải con lấy trộm không? Có phải là con làm
không? .... dù bạn biết rõ mười mươi đáp án rồi, chỉ hỏi để con thừa nhận,
không phải là việc làm tốt. Nó làm tổn thương tự trọng của con, động vào nỗi
đau không ai thấu (là con không còn cách nào khác mới phải như vậy) của con. Nó
còn làm con nghĩ rằng: Lần này nói dối không thành, lần sau phải tinh vi hơn để
mẹ không phát hiện ra.
- Bạn có thể giải quyết nó bằng cách nói chuyện nhẹ nhàng với
con. Hỏi con về những vấn đề xung quanh việc con nói dối đó, tuyệt nhiên không
phải hỏi kiểu "mớm cung", ép nhận tội. Con sẽ nhận ra là : À, mẹ biết
hết rồi, nhưng mình không bị mắng nhỉ. Và thoải mái kể mọi chuyện ra với mẹ. Mẹ
cần làm con hiểu rằng: CON LÀM VẬY LÀ KHÔNG ĐÚNG. NHưng mẹ sẽ không trách phạt
con, làm tổn thương tự trọng của con, và mẹ vẫn yêu thương con, mẹ sẽ giúp con
cùng giải quyết chuyện đó.
Ví dụ: Con làm vỡ cốc, đổ nước => Mẹ cần hỏi con có bị ướt
không, có bị đau không? Xoa đầu con và bảo không sao đâu, ai chẳng có lúc bất cẩn,
lần sau con cẩn thận hơn nhé và cùng con dọn dẹp. Sau đó mới thủ thỉ nhẹ nhàng
với con: Lúc cái cốc bị vỡ, mẹ đang nấu cơm ở trong bếp nghe tiếng cái gì đó vỡ
choang một cái, sợ quá nên chạy lên xem con có bị làm sao không. May mà con
không làm sao. Lúc đấy con đang làm gì thế? ... bạn có thể hỏi những điều như
thế, thay vì quát con: "CON LÀM VỠ CỐC PHẢI KHÔNG?'' điều đó không thể cứu
cái cốc đã vỡ, và còn làm tan vỡ tình cảm của con với mẹ nữa đấy, mẹ ạ.
EmoticonEmoticon