Hôm trước đi hội thảo Montessori, tôi được nghe cô Hà Phương
của trường Fly Fingers School chia sẻ về vấn đề này, nên hôm nay mạn phép kể lại
những gì cô chia sẻ, cộng với những gì mình đã học hỏi được cho mọi người cùng
nghe.
Có một sự thật không thể chối cãi là từ lúc biết đi, trẻ con
bắt đầu lọ mọ sờ mó tất cả mọi thứ trong nhà và bố mẹ nào cũng lo lắng về điều
đó. Làm thế nào để không gian trong gia đình trở thành nơi an toàn cho con
chơi, những tips sau có thể giúp các bố mẹ cảm thấy thoải mái và yên tâm hơn để
biến nhà trở thành nơi an toàn cả về thể chất lẫn tinh thần của con.
1. Không cho con vào cũi
Nhiều bố mẹ lầm tưởng rằng cho con vào cũi sẽ an toàn vì con
chẳng đi đâu cả, không ngã, không đau, không chơi những thứ không an toàn như lửa,
nước nóng, cốc thuỷ tinh... nhưng vô tình bố mẹ đã tước mất của con quyền được
khám phá ở đúng độ tuổi mà con ham mê khám phá mọi thứ nhất. Cũng như khi bố mẹ
vừa nảy ra một ý tưởng nào đó vào lúc 12h đêm, mà buộc phải đi ngủ thay vì ngay
lập tức thực hiện nó vậy. Điều đó làm trẻ rất bực bội. Ảnh hưởng không tốt tới
tâm lý còn non nớt của con. Thay vào đó, hãy tạo một không gian an toàn cho
con, để con có thể chơi thoải mái.
2. Cách kiểm tra các đồ vật an toàn
Hãy cắt một chai nước uống lavie như hình dưới, giữ lấy phần
bên trên, tháo nắp ra, và rượt khắp nhà để kiểm tra. Những thứ vừa lọt qua cổ
chai và có chiều cao thấp hơn khoảng cách từ miệng chai đến chỗ cắt đều phải LOẠI
BỎ khỏi không gian chơi của con (VD: Hòn bi, viên sỏi, hạt lạc, nhẫn...).
Những thứ có chiều cao thấp hơn khoảng cách từ miệng chai đến
chỗ cắt, nhưng không lọt vừa cổ chai (quả chanh, quả bóng bàn...) hoặc lọt vừa
cổ chai nhưng chiều cao lớn hơn khoảng cách từ miệng chai đến chỗ cắt (cây
nhíp, bút màu, bút chì, đũa...) đều có thể tạm chấp nhận làm đồ chơi cho con
khám phá, nhưng cần có sự trông nom của bố mẹ, để tránh con mang đồ chơi đi và
vô tình bỏ vào miệng/mũi gây nguy hiểm.
3. Không gian chơi an toàn
Mọi nơi trong gia đình đều có thể trở thành thiên đường trò
chơi của trẻ. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp con đang mở ra mở vào cánh cửa tủ
quần áo của mẹ, chui vào gầm bàn rồi lại chui ra, ném trái cây từ trong đĩa ra
ngoài sàn nhà rồi lại nhặt vào... Tất cả đồ dùng trong nhà không vi phạm các điều
kiện ở phần 2, hoặc những vật không có giá trị lớn quá (mà bố mẹ tiếc không dám
cho con chơi hihi) thì đều có thể trở thành vật để trẻ khám phá. Mọi thứ đối với
chúng đều là đồ chơi chứ không riêng gì những thứ bố mẹ gọi là ĐỒ CHƠI. Vì với
trẻ mọi thứ đều hấp dẫn như nhau cả.
Nếu bố mẹ sợ cốc thuỷ tinh bị vỡ, hãy để chúng thật cao lên.
Nếu mẹ sợ con nghịch túi xách làm vỡ mất hộp phấn mắt đắt tiền, mẹ cũng hãy cất
túi xách đi. Trẻ con học hỏi rất nhanh, chỉ cần 1 lần chúng chạy nhanh trên sàn
nhà bị ướt và ngã, lần sau chúng sẽ đi rất chậm hoặc đứng một chỗ la lên nếu
phát hiện ra có nước trên sàn nhà (do chúng tè dầm chẳng hạn).
4. Tôn trọng con và các trải nghiệm của con
Nếu bạn không để con biết khi thả cái cốc thuỷ tinh từ trên
bàn xuống đất nó sẽ vỡ, con sẽ không bao giờ biết những thứ đó có thể vỡ được.
Nếu con bạn không được sờ vào nước nóng (nóng vừa thôi nha)
chúng sẽ không biết trên đời này cũng có loại nước vừa sờ vào là đã phải rụt
tay lại.
Nếu con bạn không từng bị ngã đau vì trèo từ trên ghế xuống
bằng cách đưa đầu ra trước, chúng sẽ không bao giờ biết sẽ phải đưa chân xuống
đầu tiên.
.....
Còn vô vàn các kinh nghiệm, kỹ năng khác trong cuộc sống con
đều cần học để tồn tại, nó là thứ bố mẹ không thể dùng lời nói để dạy cho con.
Mà cần được học trong KHÔNG GIAN AN TOÀN nhất được bố mẹ tạo ra để dạy cho con
hiểu.
Đừng vì chúng dễ làm con bị đau, bị nóng, bị ướt, bị bẩn...
mà ngăn cản con KHÔNG ĐƯỢC LÀM mọi thứ. Vì như vậy, đã vô tình để lỡ mất thời
điểm vàng khám phá của con. Sau này, con sẽ không bao giờ có lại những ham mê
khám phá như giai đoạn TODDLERS này nữa đâu, bố mẹ ạ.
EmoticonEmoticon